Các nhân viên kỹ thuật thay cánh quạt gió bị hỏng tại đảo An Bang (Trường Sa) - Ảnh: K.HÀ
Nếu như trước đây, mỗi khi đến với huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), người ta luôn ám ảnh bởi cái nắng cháy da, cái gió rát mặt thì ngày nay tình hình đã khác. Cũng cái nắng, cái gió đó nhưng nó đã được chuyển hóa thành năng lượng điện sạch, mang lại cho đảo tiền tiêu của Tổ quốc một diện mạo mới đẹp hơn, rút ngắn khoảng cách giữa đảo xa với đất liền.
LUNG LINH “PHỐ” TRƯỜNG SA
Lẽ ra hôm đó, tàu HQ 571 chở đoàn công tác chúng tôi cập cầu cảng Trường Sa Lớn vào buổi chiều muộn. Nhưng vì sóng to nên tàu buộc phải neo đậu ngoài khơi xa một đêm. Đứng trên boong tàu, phóng tầm mắt về phía Trường Sa Lớn, đảo như một hòn ngọc nổi giữa biển khơi. Rồi đêm dần buông, Trường Sa Lớn bắt đầu giăng đèn. Đảo lung linh, sáng rực giữa màn đêm.
Sáng hôm sau, đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hàng trụ điện bằng quạt gió chạy ôm quanh đảo. Dọc các con đường rộng trải bê tông là vô số tấm pin mặt trời. Quanh trụ sở UBND thị trấn Trường Sa nằm tại trung tâm của đảo là những cột ăng ten tiếp sóng điện thoại, truyền hình. Cảm giác khi đến nơi đây cứ như đang ở một thành phố thu nhỏ giữa biển khơi.
Buổi tối, sau khi dùng bữa cơm thân mật cùng các chiến sĩ, chúng tôi đến thăm nhà các hộ dân trên đảo. Con đường dẫn vào nhà các hộ dân sáng ánh điện và thoang thoảng mùi hương hoa bàng vuông. Đón chúng tôi trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, cô giáo Bùi Thị Nhung bộc bạch: “Có tivi xem thời sự, điện thoại liên lạc với người thân, mạng internet để đọc báo và tủ lạnh để giữ thức ăn tươi, gia đình tôi không sợ tụt hậu so với đất liền”. Vợ chồng cô Nhung còn rôm rả mời khách ở lại ca vài bài karaoke.
Theo Trung tá Đỗ Xuân Vạn, Trợ lý cán bộ Vùng 4 Hải quân, người có gần 30 năm gắn bó với Trường Sa, hơn 7 năm trước, Trường Sa còn “khát” điện. Vì chỉ có nguồn điện từ máy phát nên mỗi ngày, quân dân trên đảo có vỏn vẹn 4 tiếng đồng hồ từ 18 giờ đến 22 giờ được dùng điện. Việc phát điện bằng cách sử dụng máy nổ chạy dầu diesel, vừa ô nhiễm môi trường, vừa gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của quân dân. Năm 2008, các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật của Quân chủng Hải quân, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (TP Hồ Chí Minh) với những tấm pin mặt trời và những chiếc chong chóng gió đã bắt nắng, gió vốn thừa ở Trường Sa để chuyển hóa thành điện năng phục vụ bộ đội và nhân dân nơi đây. Trung tá Vạn nói: “Giờ đây, khắp các đảo nổi, đảo chìm và nhà giàn DK ở Trường Sa đều sáng ánh điện. Từ ngày có nguồn điện tự sản xuất, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo đã thay đổi hẳn. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại đảo rôm rả hơn, thông tin thông suốt. Việc học tập, sinh hoạt, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các chiến sĩ trên đảo cũng thuận tiện hơn. Đến Trường Sa Lớn lúc đầy đủ tiện nghi, làm cho khách ra thăm cứ ngỡ mình đang ở nhà trên đất liền”.
GIỮ ĐIỆN SÁNG KHẮP ĐẢO XA
Trong chuyến hải trình đến với Trường Sa, ngoài cánh phóng viên chúng tôi còn có các nhân viên kỹ thuật xây dựng và sửa chữa của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa. Từ đất liền theo tàu ra đảo, các anh vác theo những cánh quạt gió, tấm pin mặt trời mới để thay thế cho các thiết bị đã hư hỏng do thời tiết khắc nghiệt. Anh Phan Hồng Phúc, Tổ trưởng Tổ Sửa chữa, cho biết: “Tôi gắn bó với Trường Sa từ những ngày đầu triển khai dự án Năng lượng điện sạch ở Trường Sa Lớn vào năm 2008. Đến nay, tôi đã làm việc tại khắp các đảo nổi, đào chìm thuộc quần đảo Trường Sa. Dù không phải là lính nhưng các nhân viên kỹ thuật của công ty vẫn thường xuyên túc trực ở Trường Sa để kịp thời sửa chữa, thay thế thiết bị bị hư hỏng, đảm bảo phát điện 24/24 giờ cho các đảo”.
Những ngày lưu lại các đảo phía Nam thuộc quần đảo Trường Sa, chứng kiến nhóm nhân viên kỹ thuật của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa không ngại hiểm nguy trèo lên các trụ quạt gió cao chót vót giữa biển khơi để sửa chữa các thiết bị hư hỏng, chúng tôi phần nào cảm nhận được nỗi vất vả của các anh. Làm việc trong điều kiện xa nhà, thiếu thốn, lại phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt của biển khơi nhưng các anh vẫn rất lạc quan, yêu đời. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các nhân viên kỹ thuật của công ty lại nhào vào bếp chuẩn bị bữa ăn chiều trên đảo Đá Đông, hay góp mặt vào đội bóng chuyền trên đảo Trường Sa Lớn. Tối đến, các anh đàn hát cùng những người lính biển... Anh Phúc bộc bạch: “Khi màn đêm buông xuống, Trường Sa lại sáng ánh đèn. Chỉ cần thấy thế, mọi mệt nhọc, hy sinh của chúng tôi đều tan biến. Làm việc trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm nhưng may mắn, được quân dân trên đảo quý mến, xem như người nhà nên chúng tôi luôn thấy ấm lòng. Ngoài ra, xác định nhiệm vụ bảo đảm điện năng cho các đảo là công việc đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh, chủ quyền Tổ quốc nên ai cũng cố gắng hoàn thành”./.
Theo Chinhphu.vn