Mới đây, các nhà lãnh đạo của 19 nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu có cuộc họp tại Brussels (Bỉ) bàn về các vấn đề của Hy Lạp.
Đây là cuộc họp thượng đỉnh thứ 3 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bàn về vấn đề Hy Lạp trong hơn 2 tuần qua. Phát biểu trước khi bước vào cuộc họp, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras tuyên bố ông tới hội nghị lần này với thiện chí muốn thỏa hiệp.
“Tôi ở đây đã sẵn sàng cho một sự thỏa hiệp trung thực. Chúng tôi nợ điều đó với châu Âu- những người muốn châu Âu thống nhất không chia rẽ. Chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận vào tối nay nếu tất cả các bên mong muốn”, Thủ tướng Tsipras nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ không chấp nhận “mọi giá” để đạt được thỏa thuận với Hy Lạp. Tuyên bố này của nhà lãnh đạo Đức khiến cho cuộc đàm phán lần này sẽ càng khó khăn. Trước đó, Đức đã đưa ra đề xuất Hy Lạp tạm thời ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu trong 5 năm nếu như nước này không chịu thực hiện những cải cách và thắt chặt chi tiêu hơn nữa.
“Chúng tôi sẽ có các cuộc thảo luận khó khăn nhưng không có nghĩa rằng, sẽ phải có thỏa thuận bằng bất cứ giá nào. Tôi biết tất cả mọi người đang bị đẩy đến giới hạn nhưng chúng tôi cần đảm bảo rằng những lợi ích thu được lớn hơn là những bất lợi, cụ thể là tương lai của Hy Lạp cũng như sự thống nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu và các nguyên tắc hợp tác của chúng tôi”, Thủ tướng Đức Merkel cho biết.
Tổng thống Pháp Francois Hollande vẫn giữ lập trường không nên để Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Ngay sau khi tới Brussels, ông Hollande tuyên bố Pháp sẽ “làm tất cả những gì có thể để đạt được thỏa thuận giữ Hy Lạp ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu”.
Ông Hollande khẳng định: “Việc Hy Lạp rời khỏi hay ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu, trong trường hợp này, châu Âu đang chưa có quyết định dứt khoát. Nhưng tôi không muốn Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu”.
Quan điểm này cũng đã được Thủ tướng Italia Matteo Renzi ủng hộ. Ông Renzi cho rằng việc Hy Lạp rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ gây ra những hậu quả vô cùng lớn đối với Liên minh châu Âu. Ông cũng cho biết sẽ thuyết phục Thủ tướng Đức thỏa hiệp chứ không làm “mất mặt” Hy Lạp.
Dự kiến, trong cuộc họp lần này, các nhà lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ thảo luận và tìm kiếm sự đồng thuận về những kế hoạch cải cách mới mà chính phủ Hy Lạp vừa trình lên theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế. Hy Lạp đã mất khả năng thanh toán từ hôm 30/6 vừa qua sau khi không trả được khoản nợ 1,6 tỷ Euro của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Các ngân hàng của nước này cũng đã phải đóng cửa trong hai tuần qua để ngăn việc người dân rút tiền. Nếu không nhận được gói cứu trợ mới, Hy Lạp phải tuyên bố vỡ nợ, đồng nghĩa với việc sẽ rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Trước đó, tối ngày 11/7, cuộc họp của nhóm các Bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) đã kết thúc chưa đạt kết quả cụ thể.
Các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu yêu cầu Quốc hội Hy Lạp nhanh chóng thông qua các chương trình cải cách mới cần thực hiện ngay lập tức từ đầu tuần này nhằm tạo niềm tin để có thể khởi động đàm phán về một chương trình cứu trợ thứ ba cho Athens./.
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV.VN - Trung tâm Tin