Cập nhật: 16/07/2015 09:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay, nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất và thiết bị để triển khai các hoạt động khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam còn thiếu và yếu.

Hiện vật được phát hiện qua các cuộc khai quật khảo cổ học ở Trường Sa. (Ảnh: VKC)

Thông tin trên được tiến sỹ Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học) đưa ra tại Hội thảo khoa học “Khảo cổ học biển đảo Việt Nam - Tiềm năng và triển vọng” diễn ra tại Hà Nội. Chương trình do Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho hay, ngoại trừ Phòng Khảo cổ học Dưới nước (thuộc Viện Khảo cổ học) thì hiện nay, Việt Nam chưa có những trung tâm nghiên cứu chuyên biệt, những phương tiện kỹ thuật chuyên dụng và chương trình đào tạo về khảo cổ học dưới nước nói chung và khảo cổ học biển đảo nói riêng.

Thế những, theo tiến sỹ Lê Thị Liên, từ ngày thành lập đến nay, Phòng Khảo cổ học Dưới nước chưa được trang bị bất kỳ một thiết bị gì. Không chỉ có vậy, phòng cũng chưa được cấp bất kỳ một nguồn kinh phí thường niên nào cho các hoạt động khảo sát, nghiên cứu dưới nước.

“Để có kinh phí cho việc khai quật một số tàu đắm, một số lượng đáng kể di vật đã được mang đi bán đấu giá trên thị trường quốc tế. Đây là những mất mát lớn đối với khoa học và làm mất đi những mảng lịch sử dân tộc,” bà Lê Thị Liên chia sẻ.

Có cùng quan điểm trên, tiến sỹ Phạm Quốc Quân (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) cho rằng, khảo cổ học biển đảo ở Việt Nam đang ở tình trạng “ba không”: không có cơ quan chuyên sâu, không có đội ngũ cán bộ chuyên sâu và chưa có được những những đợt điều tra cơ bản để lập bản đồ những con tàu đắm ở vùng biển Việt Nam.

“Các cuộc khai quật những con tàu cổ bị đắm được tiến hành theo kiểu ‘chữa cháy’ (tức là khi ngư dân địa phương đã phát hiện ra tàu cổ). Chúng ta chưa có được những đợt khảo sát, điều tra cơ bản để lập bản đồ quy hoạch khảo cổ những con tàu đắm ở vùng biển Việt Nam như nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á,” tiến sỹ Phạm Quốc Quân chỉ rõ.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, nhà nghiên cứu cho rằng: Khi đó, những thông tin về con tàu (quy mô, cấu trúc, kỹ thuật đóng tàu...) hầu như không còn. Bởi vậy, mọi dự đoán về quốc tịch của mỗi con tàu đều thông qua các tư liệu gián tiếp (hàng hóa, đồ dùng sinh hoạt của thủy thủ đoàn, loại gỗ...).

Đưa ra ví dụ cụ thể tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, trước khi con tàu Cà Mau được tiến hành khai quật, hơn 130.000 hiện vật đã bị đánh cắp. Tàu cổ Cù Lao Chàm cũng ở vào tình trạng tương tự.

Từ đó, việc nhận thức toàn diện về mỗi con tàu rất khó khăn và sự phục hồi những giá trị kinh tế, lịch sử, văn hóa... còn nặng về phỏng đoán, thiếu căn cứ khoa học.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng một trung tâm khảo cổ học dưới nước chuyên sâu của Việt Nam.

“Tôi đề nghị thành lập Viện nghiên cứu Di sản biển. Cơ quan này là một phúc hợp, bao gồm các trung tâm nghiên cứu khác nhau mà trong đó, khảo cổ học dưới nước chỉ là một bộ phận,” tiến sỹ Phạm Quốc Quân nêu quan điểm.

Theo ông, ngoài trung tâm khảo cổ học dưới nước, Viện nghiên cứu Di sản biển còn có bảo tàng, các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về thuyền bè, thương mại đường thủy, các trung tâm bảo quản và lưu trữ tư liệu...

“Điều này sẽ tạo nên một sự tập trung, tránh sự tản mát, thiếu kết nối như hiện nay,” ông Quân nhấn mạnh./.

Theo AN NGỌC (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-can-mot-trung-tam-khao-co-hoc-duoi-nuoc-chuyen-sau/321309.vnp

 

Tệp đính kèm