Sau 5 năm triển khai Chỉ thị 494/CT-TTg về sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước (gọi tắt là Chỉ thị 494), các doanh nghiệp đã nâng cao tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất, góp phần giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả đầu tư các dự án.
Thiết bị máy sấy lúa tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2015.
(Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Đây là nhận định của bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương tại Hội thảo - Triển lãm máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, mới đây.
Chuyển hướng tiêu dùng hàng nội
Ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, cho biết, Chỉ thị 494 đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm mới thay thế hàng nhập khẩu. Các đơn vị triển khai nghiêm túc Chỉ thị, tạo nhận thức sâu rộng từ tập đoàn, tổng công ty đến những doanh nghiệp thành viên về tầm quan trọng và lợi ích quốc gia trong việc sử dụng hàng hóa trong nước. Từ đó, bước đầu thay đổi nhận thức của các chủ đầu tư, doanh nghiệp về máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được, đặc biệt là trong các đơn vị sử dụng vốn Nhà nước.
Theo Bộ Công Thương, một trong những giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 494 là các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ này đã yêu cầu nhiều đơn vị xem xét tiêu chí lựa chọn dựa trên nguyên tắc hình thành những gói thầu sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được; thúc đẩy sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Đối với doanh nghiệp, các doanh nghiệp có yêu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, lãnh đạo doanh nghiệp đã quan tâm và thực hiện một cách chủ động, nghiêm túc những giải pháp ưu tiên sử dụng ngày càng nhiều hàng hóa trong nước trong sản xuất, kinh doanh và dự án đầu tư.
Bà Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, cùng với nhiều chương trình hành động khác của Chính phủ, Chỉ thị 494 đã góp phần giảm nhập siêu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ nhập siêu trên tổng kim ngạch xuất khẩu đã giảm dần qua các năm, từ mức 17,47% năm 2010 giảm còn 10,16% năm 2011; đặc biệt từ năm 2012 đến 2014 Việt Nam đã xuất siêu.
Riêng trong 6 tháng năm 2015, trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đạt tăng trưởng mạnh với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Thiếu hàng rào kỹ thuật
Đánh giá về kết quả triển khai Chỉ thị 494 sau 5 năm, các doanh nghiệp cho biết, mặc dù việc sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, máy móc, thiết bị sản xuất trong nước đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, đặc biệt là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế nên hiệu quả thực hiện Chỉ thị 494 chưa được như kỳ vọng.
Theo ông Đinh Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cơ nhiệt Điện lạnh Bách Khoa (Polyco), hiện nay, các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo thiết bị toàn bộ ngành đồ uống hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, nên các dự án đấu thầu quốc tế thường không cạnh tranh với những nhà thầu nước ngoài.
Ngoài nguyên nhân do chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã của sản phẩm, hàng hóa trong nước chưa đáp ứng tốt những yêu cầu của chủ đầu tư, Việt Nam vẫn thiếu hàng rào kỹ thuật, chính sách hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ cũng như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị trong nước sản xuất được.
Vì vậy, các nhà sản xuất, cung ứng nội địa có chính sách ưu tiên, nhưng vẫn đối mặt với những thách thức về huy động vốn, chịu sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường...
Ông Trần Thọ Huy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thang máy Thiên Nam cho biết, trên thực tế các nhà sản xuất, cung ứng nội địa vẫn đang đối mặt với một số thách thức như nhiều chủ đầu tư tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước nhưng trong hồ sơ mời thầu lại yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ các nước phát triển như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc... hoặc quy định sản phẩm phải nhập khẩu đồng bộ, nguyên chiếc.
Ngoài ra, những vấn đề khó khăn trong việc chia nhỏ gói thầu, nhiều hồ sơ mời thầu ưu tiên hàng nhập khẩu... đã gây cản trở đối với hàng hóa sản xuất trong nước và hạn chế chế sự tham gia của các nhà sản xuất, cung ứng nội địa.
Ông Huỳnh Đắc Thắng nhấn mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị 494 trong thời gian tới là giải pháp quan trọng và thiết thực để thúc đẩy nội lực kinh tế đất nước. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, cần có sự hợp lực của các cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 494, hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam."
Doanh nghiệp cần nhận thức rằng mình là nhân tố cốt lõi trong việc phát huy hiệu quả của Chỉ thị 494, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, giá cả cạnh tranh.
Riêng đối với cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi bằng ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghiệp trong nước như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.../.
Theo MỸ PHƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/thiet-bi-va-nguyen-lieu-noi-da-tim-duoc-cho-dung-tren-san-nha/333027.vnp