Từng thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2014, ông Obama đang lật ngược tình thế cho đảng Dân chủ bằng một nước cờ cao là quan hệ với Cuba.
Cuba và Mỹ ngày 20/7 mở lại đại sứ quán của nhau tại Washington và Havana.
(Ảnh: Reuters)
Mới đây, Mỹ và Cuba chính thức bình thường hóa quan hệ, với việc mở cửa trở lại Đại sứ quán tại mỗi nước sau 54 năm.
Lần đầu tiên kể từ năm 1961, khi hai nước quyết định cắt đứt các mối quan hệ, cờ Cuba lại tung bay trên nóc tòa nhà Đại sứ quán ở thủ đô Washington và trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ bên cạnh quốc kỳ những nước mà Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez ngày 20/7 có mặt ở Washington để tham dự buổi lễ đánh dấu dịp 2 nước chính thức khôi phục lại quan hệ ngoại giao sau hơn 50 năm gián đoạn và có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ John Kerry.
Về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này sẽ tổ chức buổi lễ chính thức mở đại sứ quán vào tháng 8 tới khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến đến Cuba.
Theo trang điện tử Politico, “bình thường hóa quan hệ với Cuba” là bước mở màn cho những thành công dồn dập của Tổng thống Barack Obama về đường lối đối ngoại, là “nước cờ khôn” đảo ngược tình thế, tăng sự tín nhiệm trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống thuộc đảng Dân chủ.
Dấu ấn “thúc đẩy quan hệ với Cuba” cũng được nhận định sẽ là bài toán hóc búa với các ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa trong câu chuyện bầu cử 2016 khi làm thế nào để tiếp tục một “di sản” đối ngoại đồ sộ từ ông Obama?
“Cuba” - phá vỡ chính sách ngoại giao đơn cực
Theo nhận định của Washington Post, từ việc bình thường hóa quan hệ với Cuba, thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân Iran cho tới tăng cường quan hệ với Việt Nam cho thấy chính quyền của Tổng thống Obama đang có những bước đi nhằm điều chỉnh lại chính sách đơn cực, nhằm thích ứng với tình hình thế giới, với những xu thế mới đầy biến động và khó dự đoán.
Riêng trong câu chuyện với Cuba, cuộc gặp lịch sử và đầu tiên giữa nhà lãnh đạo 2 nước Cu Ba và Mỹ diễn ra hôm 11/4 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama, đã cho thấy sự quyết tâm của ông Obama trong việc viết nên chương mới cho quan hệ vốn 60 năm xa cách.
Trong suốt cuộc hội đàm 80 phút, ông Obama và Raul Castro ngồi trên ghế gỗ cạnh nhau và trò chuyện thân mật trong phòng họp nhỏ. Giới chức Nhà Trắng cho biết 2 nhà lãnh đạo thảo luận về việc mở sứ quán ở Havana và Washington cũng như một số vấn đề khác.
Ngày 1/7/2015, Mỹ và Cuba đã tuyên bố đạt thỏa thuận mở lại đại sứ quán tại thủ đô hai nước, chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao. Việc tái thiết lập đại sứ quán của hai nước trên lãnh thổ của nhau vào ngày 20/7 là bước đột phá khiến cả thế giới phải chú ý.
Mặc dù Quốc hội Mỹ vẫn sẽ duy trì lệnh cấm vận kinh tế với Cuba nhưng chính sách này nhiều khả năng sẽ có thay đổi dần dần trong thời gian tới giống như những gì Mỹ đã làm với một số nước trong đó có Việt Nam.
Điểm cộng cho nhiệm kỳ hai củaTổng thống Obama
Politico dẫn nhận định của chuyên gia David Axelrod, nguyên chiến lược gia kỳ cựu của Tổng thống Obama rằng: “để đánh giá về “di sản” của ông Obama sau 2 nhiệm kỳ Tổng thống thì phải mất nhiều thời gian. Nhưng vào lúc này, ở thời điểm này, có thể nói đây là quãng thời gian thành công nhất của Tổng thống Obama trong vòng 2 năm trở lại đây”.
“Bình thường hóa quan hệ với Cuba, Thỏa thuận biến đổi khí hậu với Trung Quốc, chính sách về người nhập cư, quyền đàm phán nhanh về thương mại, quyết định về hôn nhân đồng tính, chương trình y tế và mới nhất là thỏa thuận với Iran - đó là những thành quả lớn, mang ý nghĩa lịch sử”.
Nhìn lại những gì mà ông chủ Nhà Trắng làm được trong 2 tháng qua, ông Obama đã thuyết phục được Đảng Cộng hòa khi giành được quyền đàm phán nhanh hay Thỏa thuận với Iran. Điều này chứng minh sự kiên nhẫn của ông chủ Nhà Trắng, không ngại đương đầu với những vấn đề “hóc búa”, từng bước tháo gỡ khúc mắc và tiến tới thuyết phục những người đứng bên kia chiến tuyến với mình.
Theo Politico, “Trong trường hợp Cuba hay Iran, thực tế Tổng thống Obama đã đề cập đến quyết tâm này từ năm 2007. Ông Obama nói rằng ông sẵn sàng nói chuyện với các nước cựu thù. Và ông Obama hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong quãng thời gian ngắn ngủi còn lại ở Nhà Trắng”
Cơ hội lớn cho ứng viên Tổng thống của Dân chủ
Theo Reuters, bình thường hóa quan hệ với Cuba được coi là “món quà chính trị” đầy ý nghĩa đối với bà Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Ngay khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba tháng 12/2014, bà Clinton đã lên tiếng ủng hộ ông Obama bởi bà hiểu quyết định này sẽ giúp bà nhận được nhiều sự ủng hộ của các đảng viên Đảng Dân chủ cũng như những cử tri người Mỹ gốc Latin trong cuộc tranh cử chiếc ghế Tổng thống 2016.
Quyết định mà ông Obama dùng quyền Tổng thống tự mình thông qua này được cho là sẽ “dọn đường” cho bà Clinton trở thành Tổng thống tiếp theo của Đảng Dân chủ trong khi lại có thể gây bất đồng sâu sắc trong các thành viên của Đảng Cộng hòa.
Trong khi, hai đối thủ nặng ký của Đảng Cộng hòa là Jeb Bush và Marco Rubio công khai chỉ trích Tổng thống Obama vì quyết định “thân” Cuba của ông thì Nghị sỹ bang Kentucky Rand Paul lại ủng hộ việc này.
Phát biểu trên Đài phát thanh Tây Virginia, ông Paul cho rằng chính sách cấm vận kéo dài tới hơn 50 năm của Mỹ đối với Cuba “không mang lại tác dụng gì”.
Ngay lập tức, bà Clinton, người đã từng là Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Obama, lên tiếng ủng hộ quan điểm này. Bà cho biết, trong cuốn tự truyện “Hard Choices” (tạm dịch là Sự lựa chọn khó khăn) của mình, bà đã viết rằng bà là người lên tiếng thúc giục ông Obama cần phải thay đổi điều này.
Các nghị sỹ Đảng Dân chủ cho rằng, những tuyên bố như trên của bà Clinton sẽ giúp bà “gom phiếu” của các cử tri người Mỹ gốc Latin, nhất là những cử tri trẻ tại bang có tính quyết định như Florida, nơi họ sẽ ủng hộ việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba chứ không cứng nhắc như các bậc cha chú của mình.
Một điều mà cả các nghị sỹ của Đảng Dân chủ cũng như chính bà Hillary Clinton khó có thể bỏ qua, đó là, trong số 1,5 triệu người Mỹ gốc Cuba sinh sống tại Mỹ có tới 80% đang sống tại Florida.
Một cuộc trưng cầu do Telemundo/NBC News/Wall Street Journal cùng thực hiện cho thấy có tới 61% người Mỹ Latin nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton vào năm 2016, tức là cao hơn tới 11 điểm so với mức thông thường./.
Theo Ngân Giang/VOV.VN