Cập nhật: 27/07/2015 09:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Quảng Trị được coi là một bảo tàng chiến tranh lớn, ở đó có những bảo tàng chiến tranh nhỏ, nơi ghi dấu ấn đau thương và hào hùng đã đi vào lịch sử.

Không gian trưng bày chính ở “Trung tâm hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn”.

Đó là Hiền Lương - Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị - sông Thạch Hãn, đó là Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9; là Cửa Tùng, Cửa Việt, Cồn Cỏ, Cồn Tiên - Dốc Miếu... Những địa danh ấy đã trở thành di tích lịch sử, là những điểm hành hương, nơi tham quan quen thuộc của du khách khi đến với Quảng Trị.

Nhưng ở Quảng Trị có một địa điểm khá khiêm nhường và lặng lẽ, cũng là bảo tàng chiến tranh. Chỉ có điều khác, chiến tranh nơi đây vẫn chưa hết, vẫn hiện diện hàng ngày, và hoạt động nơi đây không chỉ đơn thuần là “bảo tàng” mà nó vẫn gắn bó với đời sống trên mảnh đất đau thương này. Đó là “Trung tâm trưng bày khắc phục hậu quả bom mìn” (Mine Action Visitor Center), có địa chỉ tại Phường Đông Lễ, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Trung tâm “Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn” được UBND tỉnh Quảng Trị thành lập năm 2010, và do dự án RENEW (dự án Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh) phối hợp với Sở Ngoại vụ vận hành.

Trung tâm nằm trong khuôn viên Làng Trẻ em Trên hết - một làng trẻ nuôi dạy những trẻ em bị tai nạn bởi bom mìn sau chiến tranh. Tại đây, thông qua hiện vật trưng bày, hình ảnh, tư liệu đầy đủ, phong phú, liên tục cập nhật cùng hướng dẫn viên chuyên nghiệp; Trung tâm cung cấp cho khách tham quan các thông tin về sự khốc liệt của cuộc chiến tranh Việt Nam, về hậu quả bom mìn sau chiến tranh, về cố gắng vượt qua mất mát đau thương, đói nghèo của người dân cũng như nỗ lực của chính quyền, nhân dân và các tổ chức quốc tế nhằm đáp lại thách thức này. Trung tâm cũng là nơi giáo dục về chiến tranh và hoà bình cho thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh.

Phòng trưng bày của trung tâm được chia thành các chuyên đề: Chiến tranh và hậu quả, Rà phá ngay sau chiến tranh, Rà phá và giáo dục, Vượt lên số phận, Hỗ trợ nạn nhân; với những hiện vật và hình ảnh rõ ràng, sinh động gây nhiều cảm xúc cho người xem.

Bị chia cắt bởi vỹ tuyến 17, trong thời kỳ chiến tranh, Quảng Trị là một trong những khu vực bị ném bom nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Những nghiên cứu khoa học, thống kê và điều tra đã ghi nhận những số liệu khủng khiếp sau đây:

- Quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng 15 triệu tấn bom mìn, đạn pháo và các loại vũ khí khác trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, ước tính khoảng 10% không phát nổ theo thiết kế. Xấp xỉ 328.000 tấn được sử dụng tại Quảng Trị.

- Hoa Kỳ đã rải 413.130 tấn (4,1 triệu kg) bom chùm (bom bi) trên khắp lãnh thổ Việt Nam vào giữa giai đoạn 1964-1973

- Quảng Trị là địa phương bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất với 3.866km2 đất bị ô nhiễm, tương đương 83% tổng diện tích tự nhiên (tỷ lệ ô nhiễm bình quân cả nước là 21%). Các địa phương lân cận là Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình lần lượt là 34% và 28%.

- Việt Nam có trên 104.700 trường hợp tử vong và thương vong do tai nạn bom mìn sau chiến tranh.

- Trong thời kỳ từ 1975-2010, 7.035 người đã trở thành nạn nhân bom mìn ở Quảng Trị với hơn 31% là trẻ em chiếm 1,2% dân số

Các vụ nổ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị vẫn liên tục diễn ra. Gần đây nhất, ngày 23/6/2015, tại địa bàn thôn Kinh Tế Mới, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, Quảng Trị đã xảy ra một vụ nổ bom kinh hoàng. Nạn nhân trong quá trình cuốc đất trồng cây đã cuốc phải bom lớn, phát nổ. Vụ nổ để lại hiện trường hố bom sâu 1m, đường kính rộng 1,1m và thi thể nạn nhân không còn nguyên vẹn...

Bên cạnh chức năng trưng bày như một bảo tàng, “Trung tâm hoạt động hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn” còn có nhiều hoạt động thiết thực khác như tham gia rà phá, xử lý bom mìn, tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng - nhất là trẻ em về sự nguy hiểm của bom mìn và vật liệu nổ, cùng các hoạt động nhân đạo hỗ trợ nạn nhân bom mìn sau chiến tranh.

Những hoạt động ấy gắn bó trực tiếp và mật thiết đến đời sống của cộng đồng nhân dân, nạn nhân bom mìn ở Quảng Trị. Rất nhiều khách nước ngoài, những cựu binh Hoa Kỳ đã từng tham chiến ở Quảng Trị và Việt Nam đã tìm đến đây để hồi niệm, cảm thông, chia sẻ và chung tay góp sức để khắc phục những hậu quả chiến tranh. Nơi đây như vẫn hiển hiện một minh chứng: chiến tranh chưa hẳn đã kết thúc và những đau thương vẫn còn tiếp diễn./.

Theo CTV Hà Thành/VOV.VN

 

Tệp đính kèm