Cập nhật: 01/08/2015 09:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các chuyên gia an ninh của Mỹ và các nước khác đã bày tỏ lo ngại khả năng không lâu nữa Trung Quốc sẽ tuyên bố thành lập ADIZ ở Biển Đông.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây dựng đường băng

dài 3.000 mét trên bãi Chữ Thập ở Trường Sa (Ảnh Reuters)

Theo Reuters, mới đây, người đứng đầu quân đội Philippines, Tướng Hernando Iriberri, nói với các nhà báo tại Manila rằng, Trung Quốc đã và đang cải tạo 3 rạn san hô nữa ở Biển Đông cũng như tiếp tục các hoạt động cải tạo ở bãi cạn Scarborough.

Biển Đông có khả năng lại “nóng” lên tại hội nghị an ninh vào tuần tới tại Malaysia, với sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao các nước khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Trung Quốc âm mưu lập Vùng Nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông?

Trong thời gian gần đây, quan hệ của các nước liên quan trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương leo thang căng thẳng do những hoạt động trái phép của Trung Quốc trong cải tạo, xây dựng đảo đá với quy mô lớn. VOA mới đây trích dẫn lời Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói rằng việc xây đảo nhân tạo chỉ là phần mở đầu. Ông cho rằng bước kế tiếp của Trung Quốc sẽ là bố trí vũ khí trên những hòn đảo đó và tuyên bố thiết lập một Vùng Nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông để tăng cường cho các yêu sách chủ quyền của mình.

Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Australia Peter Jennings tin rằng Trung Quốc sẽ thiết lập một ADIZ tương tự ở Biển Đông sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Mỹ vào tháng 9 tới đây. Phát biểu tại cuộc hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tổ chức ở Washington hôm 21/7, ông Peter Jennings nói: “Sau chuyến thăm đó, và sau khi nước Mỹ bước vào giai đoạn sôi nổi với cuộc vận động bầu cử Tổng thống, tôi nghĩ rằng Trung Quốc có thể sẽ thực hiện bước kế tiếp này để củng cố sự khống chế của họ trong khu vực”.

Giáo sư Andrew Erickson của Trường Võ bị Hải quân Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông trong vòng hai năm nữa. Tại cuộc điều trần ở Hạ viện Mỹ tuần trước, ông Erickson nói rằng những cơ sở mà Trung Quốc đang xây dựng trong khu vực quần đảo Trường Sa bao gồm một đường băng dài 3.000 mét trên Bãi đá Chữ Thập là nhằm hỗ trợ cho một ADIZ trong tương lai gần.

Giáo sư Erickson nói rằng điều gây quan tâm cho Mỹ là cách thức Trung Quốc quản lý ADIZ của họ. Ông nói: “Quân đội Trung Quốc tuyên bố những biện pháp phòng vệ khẩn cấp sẽ được áp dụng khi máy bay bay vào vùng này mà không tuân theo những đòi hỏi của Trung Quốc”. Ông Erickson cho rằng “Điều đó hoàn toàn đi ngược với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố họ có quyền thiết lập ADIZ gần lãnh thổ của mình, nhưng hiện nay không phải là thời điểm thích hợp để làm việc này ở Biển Đông. Tại cuộc hội thảo ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn cho rằng Bắc Kinh nên tránh đơn phương tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông, một điều mà ông cho sẽ làm căng thẳng leo thang và gây phương hại cho sự hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ.

Ông Ngô Sĩ Tồn cho rằng Trung Quốc nên bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, tăng tốc tiến trình đàm phán với ASEAN để có một Bộ Qui tắc Ứng xử, và bảo đảm việc sử dụng cho mục tiêu dân sự của những cơ sở trên các hòn đảo nhân tạo. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng cục diện có thể thay đổi nếu có sự can dự của Nhật Bản.

Washington nhiều lần khẳng định rằng việc đơn phương tuyên bố một ADIZ ở Biển Đông sẽ làm phương hại tới quyền tự do hàng hải và cảnh báo Bắc Kinh chớ đưa ra một tuyên bố như vậy.

10 cách thức giúp Mỹ xử lý các thách thức của Trung Quốc

Trong một bài viết ngày 29/7 đăng trên website của tạp chí Mỹ The National Interest, Tiến sĩ Patrick M. Cronin, chuyên gia cao cấp về An ninh Châu Á – Thái Bính Dương tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ đã không ngần ngại hiến kế cho chính quyền Mỹ, đề ra “10 cách thức giúp Mỹ xử lý thách thức trên Biển Đông”.

Trong số 10 cách thức này, có những đề xuất đã từng được đưa ra, như thường xuyên nhắc lại những nguyên tắc bất dịch về việc phải tôn trọng luật quốc tế, duy trì quyền tự do hàng không và hàng hải, tăng cường quan hệ khối ASEAN, giúp đỡ cụ thể các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông…

Trong số các đối sách, chuyên gia Mỹ đề nghị tăng cường các cuộc tuần tra biển đa quốc gia tương tự như việc chiếc P-8 của Mỹ từng làm để nhấn mạnh trên những gì được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cho phép. Nếu một quốc gia tuyên bố xây dựng đảo nhân tạo trong vùng biên tranh chấp để phục vụ mục đích quân sự và hỗ trợ nhân đạo, thì Mỹ có thể kiểm tra tuyên bố đó bằng cách cho một máy bay dân sự hạ cách tại khu vực đó. Điều mà Washington cần làm là nhấn mạnh cho Trung Quốc thấy rõ đâu là điểm mà Mỹ có thể hay không thể chấp nhận./.

Theo Bích Đào/VOV.VN

Tệp đính kèm