Một bên đang có ý muốn hỗ trợ cho phe đối lập chống lại chính quyền Bashar al-Assad , bên kia lại muốn tiêu diệt lực lượng người Kurd ở Syria.
Một loại máy bay không người lái của Không quân Mỹ. (Ảnh: US Air Force)
Mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo bắt đầu các cuộc không kích đầu tiên vào lãnh thổ Syria nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ một căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ. Lầu Năm Góc cũng cảnh báo về những hậu quả nếu quân đội Syria ngăn cản chiến dịch mới này.
Cuộc không kích diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng đẩy mạnh cuộc chiến chống lại các chiến binh Hồi giáo cực đoan. Liệu liên minh mới giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp đẩy lùi được IS hay chỉ nhằm phục vụ cho những toan tính riêng của mỗi nước trong tương lai?
Bước ngoặt lớn của Thổ Nhĩ Kỳ
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với AFP rằng “máy bay không người lái của Mỹ đã thực hiện một cuộc không kích ở Syria gần Raqqa”. Raqqa là một thành phố ở miền Bắc Syria mà IS đã chọn làm “thủ đô” của Nhà nước Hồi giáo tự xưng này.
Chiếc máy bay cất cánh từ căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ mà nước này vừa mở cửa cho quân đội Mỹ sử dụng để tấn công các mục tiêu IS ở Syria chỉ cách đó 200km.
Chiến dịch không kích này được bắt đầu sau khi Mỹ và đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, trong tháng trước, đã ký thỏa thuận theo đó Ankara cho phép Washington sử dụng các căn cứ không quân để mở rộng cuộc chiến chống IS tại Syria. Đây là sự thay đổi lớn trong chính sách của Ankara sau nhiều năm miễn cưỡng giữ vai trò tuyến đầu trong cuộc chiến chống IS.
Các cuộc không kích mới của Mỹ được thực hiện khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, đang ở thăm Malaysia và đã trả lời với báo chí rằng, Mỹ đang gia tăng đưa lực lượng máy bay có người lái và không người lái vào nước này để chuẩn bị cùng Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phát động một trận chiến toàn diện chống các tay súng IS tại Syria.
Ankara và Washington hiện đang cùng nhau hoàn tất các kế hoạch dùng sức mạnh không quân để bảo vệ cho một nhóm đối lập được Mỹ huấn luyện tại Syria, đồng thời đẩy lực lượng IS ra khỏi vùng đệm an ninh mới được thiết lập, dài 80 km, dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dường như cuộc chiến chống IS không phải là mục tiêu duy nhất của liên minh này mà mỗi bên lại có những ý định riêng. Một bên đang có ý muốn hỗ trợ cho phe đối lập Syria chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, bên kia lại muốn tiêu diệt lực lượng người Kurd ở Syria.
Mỹ sẽ “đánh mất” đồng minh?
Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, lực lượng người Kurd ở Syria đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc chiến chống IS khi mà những vụ không kích của Mỹ và liên minh chống khủng bố tỏ ra không mấy hiệu quả.
Bên cạnh đó, mong muốn thành lập một nhà nước riêng của người Kurd đã khiến cho chính quyền Ankara lo ngại và cực lực phản đối.
Các chuyên gia lo ngại, nếu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lợi dụng “danh nghĩa” chống khủng bố để tấn công người Kurd thì sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc đẩy lùi IS.
Báo Le Monde (Pháp) cho biết, sau khi công bố liên minh Mỹ- Thổ, những ngày gần đây quân đội Ankara đã dội bom lên các khu căn cứ của đảng PKK (nằm ở phía bắc Iraq), và tấn công có chủ ý vào một ngôi làng người Kurd ở Syria.
Nói một cách khác, là Ankara đang nhắm vào một số các chiến binh, những người chống IS nghiêm túc nhất.
Thậm chí, ngày 3/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố chính phủ nước này sẽ đẩy mạnh chiến dịch truy quét các tay súng thuộc đảng PKK trong bối cảnh vòng xoáy bạo lực kéo dài suốt hai tuần qua vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Theo giới quan sát, có một kiểu logic trong chính sách của ông Erdogan. Đối với Ankara, lực lượng người Kurd đối lập mới là đối thủ chính chứ không phải là quân thánh chiến Hồi giáo IS.
Báo chí phương Tây bình luận, Tổng thống Erdogan có vẻ ít quan tâm đến cuộc chiến chống nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo bằng việc củng cố quyền lực ở trong nước. Miễn cưỡng tham gia cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS, Tổng thống Erdogan đã tìm cách đặt tham vọng cá nhân lên trên lợi ích của đất nước và của các nước đồng minh.
Mới đây, vào tháng 6/2015, Đảng Công lý và Phát triển của Tổng thống Erdogan thậm chí đã không giành được đa số tuyệt đối trong quốc hội. Kể từ đó, ông Erdogan đã tìm kiếm một cái cớ để kêu gọi bầu cử trước thời hạn và "ve vãn" các cử tri đã bỏ rơi ông ta trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Sáu. Chiến tranh là cơ hội tốt để Tổng thống Erdogan đạt mục đích của mình.
Tờ báo Le Monde đồng thời đưa ra gợi ý, Mỹ nên thẳng thắn với chính quyền Erdogan về vấn đề này để bảo vệ lực lượng người Kurd - “đồng minh” tích cực của Mỹ trong cuộc chiến dài lâu với tổ chức khủng bố IS.
Syria đối mặt với bất ổn chồng chất
Các chuyên gia đều cho rằng, Syria đang đối mặt với những bất ổn mới sau khi liên minh Mỹ - Thổ được hình thành.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tham gia liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu và nhất là chiến dịch không kích IS mà nước này đang tiến hành sẽ kéo theo những hệ lụy nguy hiểm.
Trước hết là, việc quá tập trung vào IS và PKK sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây xa rời lợi ích chiến lược mà họ theo đuổi: chấm dứt cuộc xung đột tại Syria.
Bất kỳ lối thoát lâu dài nào cho cuộc xung đột Syria sẽ chắc chắn cần gắn với vấn đề lãnh thổ của người Kurd. Nhưng cuộc tấn công vào người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành hiện nay sẽ chỉ làm trì hoãn khả năng này.
Xét về động cơ của các bên khi vào liên minh, Mỹ coi Syria là nơi khởi nguồn của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, đe dọa sự ổn định của Trung Đông và sự an toàn của phương Tây.
Trái lại, Ankara lại lo ngại rằng Damascus sẽ trở thành một công cụ giúp người Kurd bành trướng. Khi liên minh chống IS can dự sâu hơn vào Syria, các mục tiêu của từng thành viên của liên minh sẽ ngày càng trở nên khác nhau.
Do vậy, nếu các bên chưa thống nhất được về mục tiêu chung với nhau, cuộc xung đột tại Syria có nguy cơ tiếp tục kéo dài và thậm chí lan rộng.
Ngày 5/8, phát biểu trên truyền hình nhà nước khi đang ở thăm Iran, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem khẳng định Syria ủng hộ các nỗ lực chống IS với điều kiện phải có sự phối hợp và tham khảo ý kiến với Damascus.
Ngoại trưởng Syria đồng thời bày tỏ lo ngại, Mỹ đã cam kết rằng các đợt không kích vào Syria là “không nhằm vào quân đội Syria”, tuy nhiên Tổng thống Barack Obama lại cho phép đánh bom vào bất kỳ lực lượng nào, kể cả các đơn vị quân đội chính quy của Syria nếu các đơn vị này tấn công vào các lực lượng đối lập được Mỹ huấn luyện và đào tạo.
Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc đang thực thi kế hoạch đến cuối năm 2015 đào tạo, huấn luyện cho 3.000 tay súng của một nhóm vũ trang đối lập được Washington nhìn nhận là “ôn hòa” tại Syria.
Bất ổn ở Syria có lẽ là bài toán chưa thể có lời giải ở thời điểm này, nhất là sau khi liên minh Mỹ - Thổ hình thành. Tháng 9 tới đánh dấu tròn một năm Mỹ cùng liên minh chống khủng bố phát động chiến dịch không kích vào các mục tiêu của nhóm IS ở Iraq và Syria. Theo nhiều chuyên gia, chiến dịch này e rằng sẽ dẫn tới kết cục cuối cùng là lật đổ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad theo cách gián tiếp./.
Theo Phương Chi/VOV.VN