Cập nhật: 14/08/2015 09:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết sẽ kiên định bảo vệ quan điểm tăng lương tối thiểu năm 2016 ở mức trung bình 16,8%.

Tại buổi họp công bố về tiền lương, thu nhập và mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2015 diễn ra tại Hà Nội mới đây, ông Lê Trọng Sang, Đại biểu Quốc hội TP HCM, Ủy viên Đoàn Chủ tịch - Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) cho hay, sau khi điều tra khảo sát về mức sống tối thiểu của người dân, TLĐLĐ có đủ căn cứ để kiên quyết giữ mức tăng lương tối thiểu năm 2016 vào vào khoảng 16,8%.

Theo đó, mức tăng tuyệt đối lương tối thiểu vùng 1 là 550.000 đồng/tháng; vùng 2 là 450.000 đồng/tháng, vùng 3 là 400.000 đồng/tháng và vùng 4 là 350.000 đồng/tháng.

Theo cuộc điều tra của TLĐLĐ, thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố, Hà Nội, Yên Bái, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ, Bến Tre với 60 doanh nghiệp thuộc 4 vùng lương và một số loại hình doanh nghiệp. Thực hiện 1.600 phiếu hỏi đối với người lao động, chủ yếu là lao động trực tiếp sản xuất trong các ngành dệt may, giày da, xây dựng, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử, chế biến nông lâm thủy sản thuộc các địa phương.

Kết quả khảo sát cho thấy, tiền lương bình quân của người lao động là 3,817 triệu đồng/tháng. Theo đó, vùng 1 là 4,369 triệu đồng; vùng 2 là 3,86 triệu đồng; vùng 3 là 3,811 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,225 triệu đồng/tháng. Mức lương thực nhận trên cao hơn nhiều so với lương ghi trong hợp đồng, làm căn cứ để đóng BHXH cho người lao động từ 10-14% tùy theo từng vùng.

Bên cạnh đó, người lao động còn nhận được các khoản thu nhập ngoài lương như làm thêm giờ, tiền chuyên cần, năng suất, tiền nhà ở và hỗ trợ đời sống, hỗ trợ đi lại, xăng xe; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp độc hại; tiền ăn ca./.

Theo VOV.VN

Tệp đính kèm