Trong kí ức tuổi thơ của nhiều người, đèn kéo quân là một trong những đồ chơi yêu thích mỗi dịp Tết Trung thu.
Giờ đây, khi nhiều đồ chơi hiện đại ra đời thì dần dà những chiếc đèn kéo quân ít hiện diện trong những đêm phá cỗ trông trăng. Ấy vậy mấy chục năm qua, cứ vào mỗi dịp Trung thu, ông Nguyễn Văn Quyền, 77 tuổi, ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội vẫn miệt mài làm ra những chiếc đèn kéo quân để đồ chơi dân gian truyền thống này luôn hiện hữu trong những đêm trăng rằm.
Trước đây, làng Đàn Viên nổi tiếng với nghề làm pháo bông và đèn kéo quân nhưng nay chỉ còn ông và người em rể là còn làm đèn vào mỗi dịp Tết Trung thu. Ông Quyền cho biết, ông làm đèn kéo quân là để cho con cháu biết đến một đồ chơi dân gian của cha ông và để ông lưu giữ một món đồ chơi truyền thống độc đáo của dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một.
Ông Nguyễn Văn Quyền làm đèn kéo quân
Ông Nguyễn Văn Quyền nói: “Đồ chơi dân gian nói chung và đèn kéo quân nói riêng đã có giai đoạn gần như mai một. Chúng tôi rất tiếc những trò chơi cổ truyền này và mong muốn có một lớp người trẻ sau này cũng biết, cũng đam mê như mình để giữ gìn những nét văn hóa của ông cha để lại. Chính vì thế mà mọi người đến đây chúng tôi đều hướng dẫn cách làm để mong rằng trong xã hội còn có những người đam mê như chúng tôi để gìn giữ những trò chơi này”.
Theo ông Quyền, chơi đèn kéo quân là cả một nghệ thuật, làm đèn kéo quân khó nhất là làm tán và trục đèn: “Tán đèn và trục là con tim của đèn. Khi làm cái trục phải cân, cánh quạt có độ vênh đều mà khi lắp vào nó đứng được ở phương thẳng đứng thì đèn chuẩn và quay được. Cái tán cũng phải thật cân thì mới quay được. Vì đèn kéo quân là một dạng rối bóng nên giấy phải chọn giấy mờ, ngày xưa chúng tôi làm giấy dó, giấy các cụ viết chữ Nho. Khi cái tán này quay thì những quân đèn ở đây tạo ra hình ảnh rối bóng rất đẹp như ta làm hình bằng tay hiện trên vách tường”.
Cùng với dòng chảy của thời gian, những người làm nghề luôn trăn trở tìm cách cải tiến mẫu mã, cách thức chơi đèn kéo quân, nhưng riêng đèn ông Quyền làm ra vẫn giữ được nét truyền thống. Bên cạnh những hình ảnh mang đậm chất dân gian thường sử dụng làm quân đèn như chị Hằng, chú Cuội, kéo co, đấu vật... ông Quyền còn kết hợp thêm hình ảnh của tranh Đông Hồ, mang đến một sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại cho chiếc đèn kéo quân.
“Đèn kéo quân Việt Nam dùng tre và các nguyên liệu dễ kiếm ở nông thôn để làm. Cảnh quân chạy các cụ ngày xưa hay dùng sỹ, nông, công, thương; có chỗ dùng tứ linh: long, ly, quy, phượng. Hình các quân chạy lấy theo phong tục của người dân Việt Nam để đưa vào trong đèn. Trước kia thắp bằng dầu lạc, bây giờ thì dùng nến và dầu hỏa, một số người cải tiến cho chạy bằng điện thế nhưng chạy điện thì không được đẹp và lung linh bằng dùng nến”.
Chị Nguyễn Thị Vân, con gái ông Quyền cho biết, tâm nguyện của ông là nghề làm đèn kéo quân luôn được gìn giữ, truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ kia. Hiện nay, chị đang cùng với các con học nghề từ ông để lưu giữ đồ chơi truyền thống này.
Cũng chính vì lòng đam mê và nhiệt huyết với đồ chơi dân gian truyền thống mà nhiều năm nay vào dịp Trung thu, ông Quyền được các trường học, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội… mời đến hướng dẫn cách làm đèn kéo quân cho các em thiếu nhi. Ngôi nhà nhỏ của ông cũng đã trở thành địa chỉ cho nhiều đoàn học sinh đến trải nghiệm, tìm hiểu về đèn kéo quân truyền thống. Đối với những trẻ nhỏ khi đến đây là được đến với không gian Tết Trung thu truyền thống của dân tộc.
Ông Quyền hướng dẫn các em thiếu nhi làm đèn kéo quân
Trong những ngày cận kề Tết Trung thu, ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân đèn kéo quân Nguyễn Văn Quyền ngập tràn những chiếc đèn kéo quân lớn nhỏ rực rỡ nhiều màu sắc. Ông đang cố gắng hoàn thiện những chiếc đèn để giao cho khách hàng. Niềm vui của ông được nhân lên khi trong dịp Tết Trung thu này, số lượng người tìm đến đặt mua đèn đông hơn. Đây là niềm hạnh phúc lớn nhất của ông vì con trẻ và người dân Việt Nam không quay lưng lại với đồ chơi dân gian truyền thống, cũng là động lực để ông tiếp tục gìn giữ và truyền lại niềm đam mê làm đèn kéo quân cho con trẻ./.
Theo Hồng Bắc/VOV.VN