Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục và khoa học công nghệ lớn bậc nhất của cả nước. Để thành phố phát triển hơn nữa trong thời gian tới, trong báo cáo chính trị, các tham luận tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 cũng như trao đổi bên lề, nhiều đại biểu bày tỏ sự nhất trí khi thành phố Hà Nội đã xác định “nâng cao chất lượng giáo dục và đội ngũ trí thức” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm lâu dài để Thủ đô hội nhập và phát triển bền vững.
Giờ học thể dục của học sinh trường Trung học
Phổ thông Việt Đức, Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)
Đổi mới để nâng tầm
Mặc dù Hà Nội đã đạt được nhiều thành tích trong giáo dục và đào tạo, song những tồn tại ở lĩnh vực này vẫn khiến nhiều người dân Thủ đô băn khoăn. Đó là quy mô trường lớp phát triển đa dạng, phân bố không đều; mức độ phát triển và chất lượng giáo dục giữa các trường, các khu vực chưa tương xứng; phân cấp quản lý giáo dục còn bất cập, thiếu thống nhất; điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị trong các trường học tuy đã được tăng cường nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, quỹ đất dành cho phát triển giáo dục ở một số quận, huyện, các khu đô thị mới còn thiếu; một bộ phận đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.
Vấn đề lạm thu, dạy thêm, học thêm ở một số nơi vẫn tồn tại, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Để giải quyết những tồn tại trên, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trước hết Thủ đô cần tập trung thực hiện giải pháp chuẩn hóa đầu vào của đội ngũ giáo viên và viên chức giáo dục. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 tất cả giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và 80% giáo viên mầm non phải có trình độ từ cao đẳng và đại học trở lên; đối với trung học phổ thông phải có ít nhất 30% giáo viên có trình độ trình độ thạc sỹ trở lên và đến năm 2020, có 50-55% cán bộ, giáo viên, nhân viên là đảng viên.
Đề cập đến nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục, ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng cần đẩy mạnh việc xã hội hóa giáo dục để giảm gánh nặng đầu tư công của nhà nước ở lĩnh vực này. Đặc biệt, thành phố có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất cho các trường ngoài công lập để có điều kiện xây dựng ổn định về cơ sở vật chất.
Ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đổi mới công tác quản lý giáo dục, đào tạo, phải tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng, từ việc dạy của thầy đến việc học của trò; từ việc quản lý chuyên môn, nhân sự đến việc quản lý tài chính, cơ sở vật chất; từng bước khắc phục sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các trường học, sẽ là những giải pháp căn cơ để đào tạo thế hệ trẻ Thủ đô có đủ tri thức để hội nhập.
Đào tạo đội ngũ trí thức
Hiện nay, với sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN và việc ký kết Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng được gia tăng mạnh mẽ. Để đáp ứng được yêu cầu hội nhập, nguồn nhân lực chất lượng cao được Hà Nội coi là động lực quan trong đưa Thủ đô phát triển trong thời gian tới.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, trong nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố Hà Nội có chủ trương, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong đó Hà Nội đặt mục tiêu: tiếp tục đưa giáo dục và đào tạo Thủ đô phát triển, dẫn đầu cả nước về các tiêu chí quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp và chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Đồng thời, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở các lĩnh vực khác nhau; xây dựng cơ chế đào tạo, sử dụng đội ngũ tri thức, nhân lực có trình độ cao, tay nghề cao để tạo ra nền kinh tế tri thức.
Để thực hiện mục tiêu trên, theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, trước hết thành phố Hà Nội cần bồi dưỡng các kỹ năng lãnh đạo quản lý cho đội ngũ trí thức, nhất là những kỹ năng lập kế hoạch, phát biểu; kỹ năng ra quyết định; kỹ năng tạo động lực và huấn luyện cấp dưới...
"Với ưu thế là địa phương quy tụ 3/4 lực lượng khoa học của cả nước, 71% các nhà khoa học đầu ngành và hơn 50% cán bộ khoa học có trình độ sau đại học, Hà Nội sẽ đào tạo được đội ngũ nhân lực, đội ngũ trí thức, đủ tâm, tầm để sẵn sàng gánh vác trọng trách của Thủ đô những năm tới," Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn bày tỏ tin tưởng.
Ngoài việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao đội ngũ trí thức, theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu, công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ rất quan trọng. Bởi lẽ cán bộ được xác định là gốc của công việc, việc chọn đúng người đúng việc sẽ giúp cho công việc trôi chảy, thuận lợi hơn, ở từng ngành, từng lĩnh vực.
Về việc quy hoạch, luân chuyển cán bộ, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ cho rằng thành phố Hà Nội nên quan tâm chú trọng hơn nữa đến đào tạo, luân chuyển đội ngũ cán bộ trẻ. Sau khi quy hoạch, đào tạo những cán bộ trẻ cũng rất cần có cơ hội cọ xát, thử thách ở những việc khó, việc mới để rèn luyện bản lĩnh cũng như khẳng định chuyên môn, năng lực được đào tạo, như vậy Thủ đô mới có được đội ngũ cán bộ trẻ kế cận đủ trình độ, tri thức, đáp ứng được yêu cầu hội nhập.
Qua 30 năm đổi mới, cùng với cả nước, thủ đô Hà Nội đã giành được những thành tựu to lớn, làm thay đổi bộ mặt đô thị, đem lại sự phát triển toàn diện. Việc Hà Nội đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực không chỉ là đòi hỏi từ thực tế, phục vụ riêng Thủ đô mà còn có vai trò dẫn dắt, khuôn mẫu cho các tỉnh thành trong cả nước học tập và làm theo./.
Theo MẠNH KHÁNH - VĂN THẮNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/dao-tao-doi-ngu-tri-thuc-du-tam-ganh-vac-trong-trach-cua-thu-do/352938.vnp