Theo ĐB Nguyễn Văn Minh, bộ máy thà ít nhưng hiệu quả còn hơn cồng kềnh nhưng vẫn làm khổ dân và rất khó tinh giản biên chế nếu vẫn còn nể nang.
ĐBQH Nguyễn Văn Minh (TPHCM)
Trước thông tin Sở Nội vụ TP HCM trình UBND thành phố đề án tinh giản biên chế trong 6 năm tới. Theo đó, thành phố này sẽ thực hiện tinh giản 1.300 người ở khối hành chính và hơn 12.600 người ở khối sự nghiệp. Theo đánh giá, đây là động thái thực hiện theo chủ trương của Trung ương nhằm cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; nâng cao chất lượng, đồng thời thu hút những người có trình độ, chuyên môn.
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu nhấn mạnh, cần đưa ra khỏi hệ thống ăn lương nhà nước những người dôi dư, không đáp ứng được yêu cầu công việc, không phù hợp vị trí việc làm nhằm xây dựng tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hợp lý. Điều này cũng tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.
Giảm biên chế có liên quan đến tăng lương?
Trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP HCM) khẳng định, chủ trương tinh giản biên chế để tăng lương không phải là mục tiêu, điểm chính là nâng cao năng suất lao động; thà ít nhưng công việc hiệu quả hơn là bộ máy cồng kềnh nhưng vẫn làm khổ dân.
Ông Nguyễn Văn Minh cho biết: “Mục tiêu chính của việc tinh giản là bộ máy biên chế đó dôi dư so với quy định, đông người nhưng không đáp ứng được nhu cầu. Tôi nghĩ, cán bộ vừa đủ nhưng giải quyết được tốt những công việc của dân một cách hiệu quả, còn hơn tồn tại một lượng cán bộ nhưng việc vẫn đình trệ, không đáp ứng được, dân vẫn cứ chạy lòng vòng”.
Từ thực tiễn công tác và qua khảo sát thực tế, đại biểu Nguyễn Văn Minh cho biết hiện nay không có đơn vị nào đề nghị giảm biên chế, mà đều đề nghị tăng. Đơn vị nào cũng nói quá tải, quá nhiều việc. Nhưng trong thực tế người dân vẫn than phiền là cán bộ công chức, những người ăn lương nhà nước khi tiếp dân vẫn không đầy đủ, hồ sơ vẫn chậm.
Đây là nghịch lý đang đặt ra. Nguyên nhân do trong một quá trình dài, chúng ta không xiết chặt công tác bộ máy biên chế cho nên cứ mở rộng đều đều, nhu cầu đơn vị nào cũng thiếu và xin thêm biên chế.
Cho thôi việc công chức thế nào?
Đại biểu Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh: Tăng lương và biên chế là hai câu chuyện khác nhau. Thực tế khi nhận một người vào hệ thống công chức nhà nước thì rất dễ, nhưng khi cho họ nghỉ là điều rất khó. Ngay trong quy định về tinh giảm biên chế cũng đặt ra rất nhiều vấn đề.
Ở đây có một quy trình về cán bộ, mô tả vị trí việc làm. Theo đó, khi mô tả thì có thể thấy ai cũng có việc làm. Nhưng có hiện tượng nhiều đối tượng cùng làm một việc, tuy nhiên chúng ta chưa mạnh dạn với điều này. Nguyên nhân xuất phát từ tâm lý người lãnh đạo là “cho nghỉ thì cuộc sống người đó như thế nào”.
Bên cạnh đó, cần xem lại các nguyên tắc tinh giản bộ máy biên chế là đối tượng 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ, không được công nhận lao động tiên tiến. “Hiện nay tôi thấy, sau hàng năm đánh giá thì tất cả ai cũng lao động tiên tiến. Khi tôi hỏi bây giờ tinh giản thì như thế nào, các đồng chí đó trả lời là dù chưa tốt nhưng cho họ lao động tiên tiến để có thêm khoản thu nhập ăn tết. Như vậy điều đó không thể nào tinh giản biên chế được” - ông Minh dẫn chứng.
Đại biểu Nguyễn Văn Minh đề nghị: Chính phủ, nhất là Bộ Nội vụ, phải rạch ròi từng mô tả công việc, vị trí việc làm và xử lý việc đó như thế nào. Đặc biệt không cho phép các đơn vị được tăng biên chế, gắn với trách nhiệm của từng đơn vị.
Ví dụ từ 1/1/2016, Luật chính quyền địa phương sẽ có hiệu lực. Như vậy, việc phân rõ ràng cấp trưởng và cấp phó là bao nhiêu; cũng như ở một phòng, ban, cục, vụ là bao nhiêu. Tức là phải khống chế số lượng, do đó dứt khoát những người dôi dư phải được điều chuyển đi chỗ khác./.
Theo Lại Thìn/VOV.VN