Cập nhật: 17/11/2015 10:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

ĐB Nguyễn Thái Học: “Cơ sở để Bộ GD-ĐT khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã giảm áp lực, giảm tốn kém... là chưa thuyết phục”.

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trước Quốc hội

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận làm rõ cơ sở nào để Bộ GD-ĐT khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới sẽ được điều chỉnh theo hướng nào? Cử tri đề nghị nên xét công nhận tốt nghiệp và giao cho các trường ĐH, CĐ tổ chức thi tuyển được không? ĐB đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng về vấn đề này nhưng vẫn chưa được trả lời.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT có thực sự giảm tốn kém?

Trả lời ĐB Nguyễn Thái Học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, trước đây kỳ tuyển sinh ĐH được tổ chức 3 đợt, cộng với kỳ thi tốt nghiệp là 4, mỗi lần là 3 môn, cho nên tối đa các cháu phải thi 12 môn, phải thi ở các thành phố lớn.

Với cách thức thi THPT quốc gia, theo lý thuyết, các cháu phải thi tối đa là 8 môn. Tuy nhiên, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, phổ biến các cháu thi 5 môn. Như vậy đã tiết kiệm được công việc ra đề, coi thi, các lực lượng hỗ trợ, chấm thi. Thí sinh cũng không phải về các thành phố lớn, mà thi ở khu vực, tỉnh nhà hoặc tỉnh bên cạnh. Như vậy, việc đi lại cũng đỡ tốn kém.

Ông Phạm Vũ Luận cho biết: Cách thức tổ chức thi như vậy, cùng với việc thay đổi cách ra đề và chấm thi theo hướng không kiểm tra trí nhớ máy móc, thay vào đó là kiểm tra năng lực, đã làm cho việc luyện thi của các trường ĐH, các trung tâm ở thành phố lớn - rất phổ biến trong những năm trước, đã giảm hầu như tuyệt đối trong năm qua.

Bên cạnh đó, ở những kỳ thi năm trước, phao thi trắng sân trường sau mỗi buổi thi thì với năm vừa rồi, tình trạng gian lận này đã giảm hẳn. Như vậy đã góp phần vào việc thay đổi tinh thần, thái độ, động cơ học tập của học sinh; trực tiếp góp phần vào thay đổi cách dạy, cách học ở các trường phổ thông như Bộ đã chỉ đạo từ trước đó.

Theo Bộ trưởng, bước đầu đã thực hiện đổi mới giáo dục, đó là giảm áp lực, giảm tốn kém, giảm căn thẳng, giảm gian lận, tăng tính trung thực của học sinh; từng bước chuyển đổi phương pháp dạy - học, thi cử trong nhà trường từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực.

“Cơ sở để chúng tôi đi đến kết luận này bao gồm các hội nghị tổng kết, làm việc với các Sở GD-ĐT 63 tỉnh thành và với các trường ĐH trên phạm vi cả nước. Chính phủ cũng đã có 2 phiên thảo luận về công việc tổ chức rút kinh nghiệm cho kỳ thi này. Chúng tôi sẽ tiếp tục có sự hoàn thiện trong thời gian tới” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

Trả lời của Bộ trưởng chưa thực sự thuyết phục

Không thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Thái Học khẳng định, những cơ sở này là chưa thuyết phục. Bởi thí sinh có thể thi ít kỳ hơn, nhưng các cháu thi tốt nghiệp THPT tại trường, địa phương; còn những em thi để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ vẫn phải đi các địa phương khác để thi, kèm theo bố mẹ, người thân. Nhiều địa phương, gia đình phải thuê xe, thuê chỗ ở, đi lại nhiều lần, rất tốn kém.

Thi xong, lại chờ đợi kết quả xét vào các trường ĐH, CĐ; phải ra tận trường đó để chờ nộp - rút hồ sơ. Không những các cháu đi mà còn gia đình, người thân nữa. Báo chí cho rằng, trong thời gian chờ đợi đó áp lực căng thẳng còn hơn là “chơi chứng khoán”.

“Những chi phí này, Bộ trưởng GD-ĐT có tính toán vào chi phí cho phục vụ thi cử hay không? Vì sao Bộ GD-ĐT không hỏi ý kiến của nhân dân, thí sinh? Kỳ thi vừa rồi là giảm áp lực, tốn kém hay là tăng? Tôi tin chắc rằng, kinh phí gia đinh mỗi thí sinh bỏ ra để lo chuyện thi cử trong kỳ thi vừa rồi là rất tốn kém và kỳ thi rất áp lực. Do vậy, trả lời của Bộ trưởng chưa thực sự thuyết phục và chưa thực sự làm yên lòng dân, chưa làm dân tin tưởng”, ĐB Nguyễn Thái Học nói.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Đối với số lượng các cháu đi thi tốt nghiệp để xét tuyển ĐH là giảm tốn kém đã được khẳng định rồi. Với các cháu thi tốt nghiệp, thi ở địa phương, không phải đi các tỉnh thành khác.

Đối với việc báo chí phản ánh là căng thẳng hay như “chơi chứng khoán”, chúng tôi có số liệu thống kê số lượng này trên 8% ở 30 trường ĐH tốp đầu tại Hà Nội và TP HCM. Đây không phải là hiện tượng phổ biến ở tất cả các trường và tất cả các cháu”./.

Theo Lại Thìn/VOV.VN

Tệp đính kèm