Nhiều người lo ngại, khủng bố IS sẽ xâm nhập và tấn công Đông Nam Á. Một số lại cho rằng mối đe dọa từ IS chưa đến mức như vậy.
Khủng bố IS sẽ “vươn vòi” sang Đông Nam Á? (ảnh: Reuters).
Tâm điểm trên các phương tiện truyền thông những ngày gần đây là một loạt các vụ khủng bố kinh hoàng vào đêm 13/11 ở Paris và sự lớn mạnh của một tổ chức khủng bố mang tên Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhiều chuyên gia còn cho rằng, sức ảnh hưởng của IS có thể vươn xa ra khắp thế giới, bao gồm cả khu vực Đông Nam Á.
Các nhóm khủng bố Đông Nam Á đe dọa gia nhập IS
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của trung tâm nghiên cứu Pew tại Mỹ cho thấy, khoảng 15% trong số 1,57 tỷ người theo đạo Hồi của thế giới đang sống ở Đông Nam Á. Điều này đã dẫn đến lo ngại rằng những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ dễ dàng truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo chân chính đi vào con đường khủng bố trong khu vực này.
Hơn thế nữa, ngay chính Thủ tướng Lý Hiển Long trong một buổi họp tại diễn đàn Shangrila vào tháng 5/2015 đã cho rằng Đông Nam Á đang trở thành nơi tập trung tuyển mộ các chiến binh thánh chiến mới cho IS.
Theo ông Lý Hiển Long, hiện đã có khoảng 500 người Indonesia và hàng chục người Malaysia gia nhập IS. Ngay cả quốc đảo Singapore, với an ninh được thắt chặt như vậy, vẫn để lọt lưới một số thanh niên đến Syria chiến đấu cho IS.
Thậm chí, ông Lý Hiển Long còn cho rằng, tổ chức IS có hẳn chi nhánh riêng tại Indonesia và Malaysia.
Malaysia mới đây cũng lên tiếng lo ngại nước này sẽ trở thành mục tiêu tấn công của IS. Trưởng biệt đội chống khủng bố của Phòng cảnh sát Malaysia thông tin, nhóm khủng bố Malaysia ẩn náu ở miền Nam Philippines đang có kế hoạch hợp nhất các nhóm chiến binh ở Malaysia, Indonesia và Philippines để hình thành một “chi nhánh” chính thức của Nhà nước Hồi giáo IS tại Đông Nam Á.
Những nhóm khủng bố nằm trong kế hoạch này bao gồm Jemaah Islamiah, Abu Sayyaf, anzim Al-Qaeda, Kumpulan Mujahidin Malaysia và Darul Islam Sabah.
Ayob cảnh báo rằng, Đông Nam Á đang phải đối mặt với mối nguy cận kề nếu kế hoạch hợp nhất các nhóm chiến binh thánh chiến thành công.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến lo ngại như trên thì CNBC lại cho rằng có nhiều lý do khiến khu vực này không phải là một mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố.
Nỗi lo IS “vươn vòi” sang Đông Nam Á vẫn còn xa vời?
CNBC dẫn lời giảng viên cao cấp của Đại học Sydney, ông Justin Hastings cho biết, trước hết, khu vực Đông Nam Á không có những liên hệ về mặt quân sự và mặt hậu cần đối với khu vực Trung Đông. Trong khi đó, Trung Đông và châu Âu lại rất dễ kết nối với nhau vì sự gần gũi về mặt địa lý.
Giống như các tổ chức khủng bố khác trên thế giới, các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á chủ yếu là những kẻ ủng hộ al- Qaeda hoặc nhân vật cảm tình của IS. Đáng lo ngại nhất trong khu vực là các nước như Malaysia, Philippines và Indonesia- những nước có số lượng người dân theo đạo Hồi đông đảo.
Giáo sư nghiên cứu an ninh tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore Rohan Gunaratna nói, chỉ trong 3 nước nói trên, đã có hơn 30 nhóm khủng bố đang hoạt động cam kết trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr Al Baghdadi.
Tuy nhiên, hoạt động của các nhóm khủng bố địa phương còn hạn chế. “Nói chung, mức độ đe dọa từ các nhóm trong khu vực chỉ mới ở trong giai đoạn đầu, ngoại trừ ở trong địa phương mà chúng hoạt động”, giáo sư Gunaratna nhận định.
Có một dạng thứ 3 của các nhóm khủng bố đó là các nhóm mang nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa sắc tộc (ethno-nationalists) ở miền Nam Thái Lan, nhưng những nhóm này không được xem là mối đe dọa lớn.
Chuyên gia Justin Hastings đến từ Đại học Sydney cho biết: “Vừa có những thông tin cho rằng khoảng 500 người từ Indonesia và Malaysia đã đến Syria để gia nhập IS. Con số này vẫn còn thấp hơn so với số người trở thành chiến binh thánh chiến IS đến từ châu Âu, bởi vậy khủng bố Đông Nam Á vẫn ở giai đoạn non trẻ nếu nhìn từ góc độ đấy”.
Hơn thế nữa, các hoạt động khủng bố ở Đông Nam Á đã suy yếu đáng kể trong những năm gần đây sau một chiến dịch truy quét nhằm vào tổ chức Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamiyah (JI) của Indonesia.
Tuy nhiên, chuyên gia Hastings cũng cảnh báo, nếu các phần tử khủng bố khác trên thế giới đã bắt đầu liên hệ với các tổ chức khủng bố trong khu vực, thì điều đó sẽ là dấu hiệu đáng lo ngại, Đông Nam Á có thể trở thành một nơi thay thế cho Trung Đông.
Cho đến nay, khủng bố ở Đông Nam Á chủ yếu vẫn ở mức độ thấp nên du lịch trong vùng sẽ không bị ảnh hưởng bởi điều này, ông Hastings nhận xét.
Ông Hastings nói: “Một cuộc tấn công khủng bố thực sự lớn sẽ làm ảnh hưởng nặng nề đến du lịch. Ví dụ như năm 2002, vụ đánh bom ở Bali (khoảng 202 người thiệt mạng tại các quán bar và câu lạc bộ đêm) đã khiến Indonesia bị thiệt hại mất 2% GDP trong năm đấy”.
"Vụ khủng bố hàng loạt ở Paris (Pháp) trong tuần vừa qua sẽ kích động các nhóm khủng bố trong khu vực nhưng liệu các nhóm này có thể tổ chức được một vụ tấn công khủng bố với quy mô như vậy hay không lại là một câu hỏi khác. Họ có thể làm như vậy trong tương lai nhưng hiện tại, có nhiều khó khăn trong việc này”, giáo sư Gunaratna đến từ Đại học Công nghệ Nanyang cho biết.
Các quốc gia Đông Nam Á vẫn cần nâng cao cảnh giác
Sự cảnh giác không bao giờ là thừa, nhất là sau một loạt những vụ khủng bố gây bàng hoàng dư luận trong thời gian gần đây. Sự trỗi dậy của IS có thể sẽ còn xa mới “vươn vòi” đến Đông Nam Á, nhưng sự chuẩn bị tâm lý từ đầu là hành động đúng đắn để ngăn chặn những chuyện đáng tiếc trong tương lai.
Theo The Strait Times, hơn 20.000 nhân viên an ninh đã được chính quyền Philippines huy động để bảo vệ những địa điểm trọng yếu ở thủ đô Manila trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Các biện pháp kiểm tra an ninh gắt gao cũng được thắt chặt.
Trước khi diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào cuối tuần này, Malaysia cũng đã huy động hơn 4.000 cảnh sát bảo vệ các vị trí cốt yếu.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen hồi đầu tuần thông báo, nước này đã tăng cường giám sát ở những cơ sở quan trọng sau vụ tấn công đẫm máu ở Paris. Cảnh báo an ninh trong khu vực được nâng lên mức cao.
Các cuộc truy quét các phần tử khủng bố ở Indonesia và Malaysia vẫn đang được tăng cường. Ngày 17/11, nhà chức trách Malaysia cho biết họ vừa bắt giữ được 5 nghi phạm khủng bố, bao gồm 4 người Malaysia và 1 người Indonesia.
Chính phủ Malaysia cam kết sử dụng mọi phương tiện để ngăn chặn cuộc tấn công khủng bố xảy ra tại Malaysia, trong đó có việc tăng cường kiểm tra tại các điểm nhập cảnh.
Ngày 18/11, Indonesia đã huy động thêm lực lượng hải quân đến tăng cường tại các sân bay quốc tế Juanda ở tỉnh Đông Java. Một số phần tử Hồi giáo Indonesia vừa quay về nước sau khi tìm cách liên lạc với IS ở Syria và Iraq đang nằm trong danh sách theo dõi gắt gao của cảnh sát Indonesia./.
Theo Phương Chi/VOV.VN