Cập nhật: 10/12/2015 10:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mười ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 - 400 năm tuổi đã bị xuống cấp nghiêm trọng tại làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) sẽ được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Tổng mức kinh phí dự kiến là 12,939 tỷ đồng.

Không gian bếp truyền thống ở Đường Lâm. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Thông tin trên được nêu rõ tại Quyết định số 6590/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Tu bổ, tôn tạo 10 ngôi nhà cổ tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.”

Theo đó, việc tôn tạo, tu bổ đảm bảo giữ nguyên giá trị gốc của di tích. Thời gian thực hiện dự án dự kiến kéo dài từ năm 2016-2018.

Quyết định do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn ký nêu rõ, ngân sách thành phố hỗ trợ tối đa 800 triệu đồng/ngôi nhà. Phần kinh phí còn lại (trên 800 đồng/ngôi nhà - nếu có) do ngân sách thị xã, ngân sách xã và các hộ dân có nhà cổ chịu trách nhiệm cân đối bố trí.

Trước đó, vào tháng 4/2013, 78 người dân thuộc 60 hộ ở làng cổ Đường Lâm đã đồng loạt ký vào lá đơn xin trả lại danh hiệu “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia làng cổ Đường Lâm” gửi Ủy ban Nhân dân Thị xã Sơn Tây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Nguyên nhân được đưa ra là nhà cửa xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt. Người dân không được tự ý xây dựng, sửa sang, cơi nới nhà cửa. Trong khi đó, hàng năm, dân số vẫn liên tục tăng lên.

Cũng trong lá đơn này, người dân ở Đường Lâm nêu rõ, với việc phát triển du lịch tại đây, chỉ có tám hộ gia đình được đầu tư xây dựng, trong khi khoảng 400 hộ gia đình khác không được hỗ trợ gì.

Đến ngày 7/3/2014, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây đã tổ chức hội nghị công bố và bàn giao hồ sơ quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, tỷ lệ 1/2000.

Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính 5 thôn (Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Cam Lâm) và một phần đồng ruộng thuộc xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); quy mô hơn 164ha.

Nội dung quy hoạch bao gồm 7 vấn đề chính: quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; quy hoạch tổng hợp mặt bằng sử dụng đất; quy hoạch tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị; quy hoạch hệ thống hạ tầng; phân kỳ đầu tư; tổ chức hoạt động du lịch; quy định quản lý.

Tại lễ kỷ niệm 10 năm ngày di tích làng cổ ở Đường Lâm được công nhận là di tích quốc gia (tối 21/11 vừa qua), lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thị xã Sơn Tây khẳng định, năm 2016, địa phương phấn đấu để làng cổ Đường Lâm trở thành di tích cấp Quốc gia đặc biệt, tiến tới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới./.

Theo AN NGỌC (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/dau-tu-gan-13-ty-dong-tu-bo-ton-tao-10-ngoi-nha-co-o-duong-lam/359937.vnp

Tệp đính kèm