Hàng nghìn người Iraq ngày 12/12 đã biểu tình phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đến đồn trú tại thành phố Mosul miền Bắc nước này.
Theo RT, ít nhất 4.000 người đã tham gia cuộc tuần hành tại Quảng trường Tahir ở thủ đô Baghdad. Họ lên tiếng yêu cầu Ankara cần phải ngay lập tức rút quân khỏi Iraq và coi hành động của đưa quân sang của Thổ Nhĩ Kỳ là “xâm phạm chủ quyền” và “chiếm đóng” Iraq.
Đám đông người Iraq tham gia cuộc biểu tình. Ảnh RT
“Chúng tôi coi bất kỳ sự hiện diện quân sự nào trên đất Iraq mà không được sự đồng ý của Chính phủ là hành động xâm lược từ bên ngoài và chúng tôi sẽ chống lại bằng mọi cách”, ông Hadi al-Amiri một Luật sư, chia sẻ.
Ngoài ra, hàng nghìn người Iraq cũng tập trung tại thành phố miền Nam Basra cùng nhiều thành viên thuộc lực lượng quân sự người Shiite. Những người này lên tiếng đe dọa sẽ có những hành động bạo lực nhằm vào binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ không chịu rút lui.
“Chúng tôi đang ở trong trạng thái cảnh giác cao độ và sẵn sàng chờ lệnh của chỉ huy để tấn công binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Amjad Salim một trong những chỉ huy của lực lượng này cho biết.
“Nếu Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Iraq đang phải bận rộn chiến đấu với IS và nhân cơ hội này để đưa quân vào Iraq thì lẽ ra họ cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi mắc phải sai lầm này”, ông Abu Muntathar al-Moussawi, chỉ huy của nhóm phiến quân địa phương mang tên Asaib Ahl al-Haq nhấn mạnh.
Tại thành phố Nasiriyah, những người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi và Bộ trưởng Quốc phòng Khaled al-Obaidi cần phải “cứng rắn” trước “sự xâm lược” của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, tại thành phố al-Diwaniyah, miền Trung Iraq, hàng trăm người kêu gọi Chính phủ trục xuất Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ và cắt đứt quan hệ với Ankara.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Iraq al-Abadi đã một lần nữa lên án hành động đưa quân vào Iraq của Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh, Baghdad không coi đó là hành động chống IS mà là một sự vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq
Căng thẳng giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng nhanh chóng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4/12 đưa khoảng 150 binh sĩ cùng pháo và 25 khẩu xe tăng đến một khu vực gần nơi IS đang đồn trú tại thành phố miền Bắc Mosul của Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ một mực cho rằng, họ điều quân đến đây theo yêu cầu của lực lượng binh sĩ người Kurd tại địa phương cũng như theo đúng thỏa thuận trước đó giữa Ankara và Baghdad.
Trong khi đó, Iraq coi đó là hành động xâm phạm chủ quyền quốc gia và yêu cầu Ankara ngay lập tức rút quân. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không chấp thuận yêu cầu này.
Chính phủ Iraq cũng đã đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề này và yêu cầu được hỗ trợ để giải quyết. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhấn mạnh, việc rút quân khỏi Iraq “là không thể xảy ra” và cáo buộc những gì mà Iraq đưa ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là “thiếu trung thực”./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN