Cập nhật: 31/12/2015 10:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những thành tựu trong đối ngoại của Nga trong năm 2015 là nhờ sự kiên nhẫn chờ đợi thời cơ và hành động kiên quyết đẩy Mỹ vào thế trở tay không kịp.

Sự kiên nhẫn của Tổng thống Nga Putin đã nhiều lần khiến

phương Tây phải chấp nhận phần thua thiệt. Ảnh Sputnik News

Sự “im lặng đáng sợ” của Nga

Trong suốt nửa đầu năm 2015, có thể nói, Nga chủ yếu thận trọng quan sát diễn biến trên chính trường quốc tế và tìm cách đáp lại những động thái của Mỹ trong các vấn đề mang tính chất chiến lược liên quan đến nước này như cuộc khủng hoảng tại Ukraine và cuộc nội chiến Syria.

Nga cũng không chủ động áp đặt các lệnh trừng phạt với Mỹ và châu Âu mà chỉ đưa ra các biện pháp đáp trả tương xứng cũng như nhiều lần lên tiếng cảnh báo “các lệnh trừng phạt như thế này có thể gây phản tác dụng” hoặc “Mỹ và châu Âu đang tự bắn vào chân mình khi đưa ra các lệnh trừng phạt như vậy”.

Sự “thụ động” của Nga trong quãng thời gian đó khiến cả Mỹ và châu Âu trở nên chủ quan và đưa ra nhận định rất sai lầm rằng nước Nga đang suy yếu trầm trọng do nền kinh tế bị khủng hoảng sau các lệnh trừng phạt của họ cũng như việc giá dầu mỏ xuống ở mức kỷ lục.

Nhiều chuyên gia của Mỹ và phương Tây còn cho rằng, Tổng thống Nga Putin đang mất dần vị thế của mình ngay trong nước và vì thế “chỉ có thể chống đỡ” các đòn trừng phạt của Mỹ và châu Âu chứ không đủ sức “bao đồng” các vấn đề trên thế giới nên phải để mặc Mỹ và châu Âu “tung hoành”.

Rất ít chuyên gia nhận ra rằng sự “ẩn nhẫn” ấy của Nga được kế thừa từ chính vị Tổng thống của mình, một cựu điệp viên KGB có hạng và là một người thành thạo Judo (Nhu đạo) môn võ “luôn chờ địch thủ sơ hở rồi mới bất ngờ tấn công khiến đối thủ bất ngờ”.

Điều Tổng thống Nga chờ đợi là việc Mỹ và liên quân sa lầy ở Syria và Iraq khi các cuộc không kích của họ không những không khiến IS suy yếu đi mà còn khiến chúng ngày càng trở nên mạnh mẽ và “tác yêu tác quái hơn”.

Ngoài ra, một”yếu tố bất ngờ” khác khiến Nga quyết tâm hành động chính là cuộc khủng hoảng người nhập cư vào châu Âu khiến phương Tây “đã rối càng thêm rối”.

Trong khi Mỹ và châu Âu đang loay hoay giải quyết hai vấn đề hóc búa trên thì Nga nhanh chóng “tung đòn quyết định”.

Không kích IS ở Syria, Nga chiếm lại thế thượng phong

Ngày 30/9, sau nhiều tháng trời điều động máy bay chiến đấu và các trang thiết bị quân sự đến Syria, Nga chính thức tiến hành các cuộc không kích IS ở Syria theo yêu cầu của Tổng thống Bashar al-Assad.

Ngay trong những ngày đầu tiên, các cuộc không kích với độ chính xác cực cao nhờ các loại máy bay chiến đấu hiện đại cùng sự hỗ trợ dưới mặt đất của quân đội Syria đã khiến phương Tây phải kinh ngạc và IS phải hoảng loạn.

Không chỉ thực hiện các vụ không kích từ trong lãnh thổ Syria, Nga còn phóng 26 quả tên lửa hành trình Kalibr từ khinh hạm lớp Gepard Dagestan và các tàu hộ vệ lớp Buyan-M Grad Sviyazhsk, Uglich và Veliky Ustyug ở biển Caspian cách đó 1.600km vào các vị trí của IS.

Vụ phóng tên lửa này của Nga, dù theo các chuyên gia phương Tây là “lấy dao mổ trâu giết gà” cũng đã gây ra “cơn địa chấn” không nhỏ với Mỹ và đồng minh vì họ không ngờ Nga có thể sở hữu loại vũ khí tối tân và thực hiện được vụ phóng tên lửa phức tạp đi qua 2 quốc gia là Iran và Iraq trước khi tiêu diệt mục tiêu ở Syria.

Gần như ngay lập tức, từ vị thế “chầu rìa” trong cuộc chiến chống IS, Nga đã buộc Mỹ và liên quân phải thay đổi cách tiếp cận đầy áp đặt và chủ quan của mình trong vấn đề Syria.

Từ chỗ khăng khăng buộc ông Assad phải ra đi, Mỹ và liên quân đã phải chấp nhận một sự thật rằng, vị thế của ông Assad đã thay đổi và đàm phán với Chính phủ Syria là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước này.

Không những thế, Mỹ và Pháp cũng đã phải đề nghị Nga điều phối và chia sẻ thông tin về các hoạt động quân sự của Nga ở Syria để “tránh những sự cố đáng tiếc” và “tăng hiệu quả các cuộc không kích”.

Như vậy, từ chỗ chỉ là “người quan sát”, Nga đã chủ động giành lấy vị thế “người cầm lái” cuộc chiến chống IS ở Syria và nắm giữ “nhiều lá bài quan trọng” buộc Mỹ và đồng minh dù không muốn cũng phải nương theo.

Vụ bắn hạ Su-24: Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây “đuối lý”

Dù giành được nhiều thành quả trong vấn đề Syria, cuộc không kích IS của Nga vẫn có chỗ “tỳ vết” khi ngày 24/11, Thổ Nhĩ Kỳ điều động tiêm kích F-16 bắn hạ cường kích Su-24 của Nga đang thực hiện nhiệm vụ ở khu vực biên giới Syria- Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Nga Putin đã ngay lập tức gọi đó là “cú đâm sau lưng của những kẻ đồng lõa với khủng bố” và tuyên bố sẽ có những hành động đáp trả thích đáng.

Ông Putin thừa nhận, Nga đã quá chủ quan vì tin rằng IS không sở hữu loại vũ khí có thể bắn hạ máy bay Nga nhưng không ngờ rằng kẻ tấn công họ lại là “một đối tác tin cậy của Nga”.

Sau vụ tấn công bất ngờ đó, Nga đã điều động soái hạm Moskva đến Syria để bảo vệ các máy bay Nga đang không kích IS và cảnh báo sẽ “tiêu diệt mọi mục tiêu được cho là có nguy cơ đe dọa các máy bay và căn cứ không quân của Nga ở Syria”.

Ngoài ra, để đảm bảo “sự việc tương tự không lặp lại” Nga còn điều thêm hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 và các máy bay tiêm kích hiện đại của mình hộ tống các máy bay cường kích làm nhiệm vụ tấn công IS.

Như vậy, vụ “đâm sau lưng” của Thổ Nhĩ Kỳ, dù với những lý do rất khó thuyết phục mà nước này đưa ra, cũng không hề gây ảnh hưởng gì đến cuộc chiến chống IS ở Syria của Nga.

Không những vậy, theo nhiều chuyên gia, điều này còn tạo điều kiện cho Nga có thể “mạnh tay hơn” với IS và đưa vào Syria nhiều loại vũ khí tối tân của mình vừa để tăng cường hiệu quả không kích vừa để phô trương sức mạnh và răn đe đối thủ của mình.

Ngoài ra, Nga cũng tỏ ra rất cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ việc trên. Không chỉ tung ra những bằng chứng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã sai trong vụ này và tấn công máy bay Nga chỉ vì Nga chặn đường buôn dầu lậu của IS sang nước này (một nguồn thu lợi lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ vì IS bán dầu với giá rất rẻ mạt chỉ bằng 1/2 đến 1/3 giá thị trường). Nga còn áp đặt các lệnh trừng phạt về kinh tế khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải lao đao.

Như vậy, có thể thấy rằng, những toan tính quá vội vã và thiếu cẩn trọng của cả Mỹ, châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến họ phải trả giá trước mối đối thủ quá “lão luyện” là Nga.

Từ chỗ nắm mọi “con bài” quan trọng trong cuộc chiến chống IS, Mỹ, phương Tây và cả Thổ Nhĩ Kỳ giờ luôn phải “nín thở chờ đợi” mọi động thái của Nga để có cách ứng phó thích hợp. Gió đã đổi chiều và Nga giờ mới là “kẻ quyết định cuộc chơi”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo năm 2016 sẽ là một năm đầy khó khăn cho Nga bởi sau những khởi đầu thuận lợi, nếu không có một biện pháp nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tại Syria, rất có thể Nga lại rơi vào thế bất lợi như Mỹ và đồng minh hiện nay.

Mặc dù vậy, với bản lĩnh đã được tôi luyện nhiều năm của Tổng thống Nga Putin, có thể tin rằng, dù khó khăn đến đâu, Nga cũng sẽ không lùi bước và vẫn luôn biết cách kiên nhẫn chờ đợi cơ hội đến với mình dù là nhỏ nhất và sự kiên nhẫn ấy luôn luôn được tưởng thưởng xứng đáng./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN

Tệp đính kèm