Cập nhật: 29/01/2016 10:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện vẫn còn quá nhiều khác biệt giữa các bên tham gia đàm phán và nhiều người không mấy lạc quan về triển vọng hòa bình cho Syria.

Khoảng 250.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến đẫm máu tại Syria. Ảnh: AFP

Theo dự kiến, cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc bảo trợ sẽ diễn ra ngày 29/1 tại Geneva, Thụy Sĩ. Đây có thể xem là một nỗ lực rất lớn của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài gần 5 năm qua tại Syria khiến khoảng 250.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, trước thời điểm cuộc đàm phán này diễn ra, vẫn còn quá nhiều bất đồng giữa các phe phái tại Syria cũng như các bên liên quan và điều này có thể khiến cuộc đám phán “chết yểu” ngay trước khi bắt đầu.

Phe đối lập Syria vẫn lưỡng lự có nên tham dự đàm phán hay không

Theo AFP, các thành viên phe đối lập ở Syria đã gặp nhau lần thứ 3 hôm 28/1 tại Riyadh, thủ đô Saudi Arabia để quyết định có tham dự cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hợp Quốc bảo trợ hay không.

Đại diện của Ủy ban đàm phán cấp cao của phe đối lập (HNC) - do Saudi Arabia hậu thuẫn được thành lập vào tháng trước nhằm đoàn kết các nhóm đối lập tại Syria - cho biết họ vẫn đang chờ đợi câu trả lời từ Liên Hợp Quốc trước khi quyết định có đồng ý tham dự các cuộc đàm phán tại Geneva hay không.

Trước đó, các nhà ngoại giao phương Tây đã gia tăng áp lực lên phe đối lập ở Syria nhằm buộc họ phải tham gia vào cuộc đàm phán này. Tuy nhiên, phe đối lập Syria muốn có một sự đảm bảo từ cộng đồng quốc tế rằng các bên tham chiến tại Syria phải kết thúc các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và cho phép viện trợ nhân đạo tới các khu vực hiện đang bị bao vây.

Salem al-Meslet- phát ngôn của HNC cho biết họ đang chờ đợi một câu trả lời từ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon về việc áp dụng Nghị quyết về lộ trình hòa bình Syria được Hội đồng Bảo an thông qua vào tháng trước.

Reuters dẫn lời Asaad al-Zoubi - một thành viên HNC nói với kênh truyền hình Arab Al Ikhbariya rằng "Nga và Iran là vật cản" ngăn chặn cuộc đàm phán hòa bình. "Mục đích của chế độ và những người ủng hộ nó chỉ là các giải pháp quân sự", ông Zoubi cho biết. Damascus, Nga và Iran đã tạo ra những trở ngại để đảm bảo các cuộc đàm phán không thể diễn ra.

Trước đó, các nhóm nổi dậy Syria đã lên tiếng cáo buộc rằng chính phủ Syria và Nga sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ sự thất bại nào của cuộc đàm phán.

Một số nguồn tin cho biết, phe đối lập Syria đã nhận được phản hồi từ đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria, Staffan de Mistura rằng, ông không có thẩm quyền để thực hiện Nghị quyết về lộ trình hòa bình Syria được Hội đồng Bảo an thông qua ngày 18/12/2015. Tuy nhiên, văn phòng của ông Staffan de Mistura hiện chưa có bình luận gì về thông tin này.

Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry - một trong những người tích cực thúc đẩy cuộc đàm phán  đã kêu gọi các nhóm đối lập Syria nắm bắt "cơ hội lịch sử" và tham gia đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm qua tại nước này khiến khoảng 250.000 người thiệt mạng và khoảng 11 triệu người phải rời bỏ quê hương.

Nga cảnh báo đàm phán sẽ 'không đạt được kết quả' nếu người Kurd không được mời.

Cuộc đàm phán hòa bình cho Syria cũng vấp phải những khó khăn, trong đó có việc tranh cãi về việc ai sẽ được mời tham gia đàm phán với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. AFP dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 26/1 đã nhấn mạnh rằng, cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm hòa binh cho Syria do Liên Hợp Quốc bảo trợ sẽ không thành công nếu người đại diện của người Kurd không được mời.

Ông Lavrov nói rằng, một trong những nước ủng hộ cuộc đàm phán hòa bình Syria (ám chỉ Thổ Nhĩ Kỳ) đã phản đối sự tham gia của người Kurd nói chung cũng như Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd tại Syria (PYD) nói riêng.

"Nếu không có sự tham gia của đại diện này, cuộc đàm phán không thể đạt được kết quả mà chúng ta muốn ", ông Lavrov nói với các nhà báo tại cuộc họp báo hàng năm của mình.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng cho biết, Nga sẽ không "phủ quyết" cuộc đàm phán ngay cả khi đại diện người Kurd không được mời.

Trong khi đó, Iran - một đồng minh thân cận của chính quyền Syria - cho biết, họ phản đối mạnh mẽ động thái của Saudi Arabia cho phép "những kẻ khủng bố mang mặt nạ mới" ngồi xuống bàn đàm phán giữa chính phủ Syria và phe đối lập.

"Bọn khủng bố với một chiếc mặt nạ mới không thể ngồi xuống bàn đàm phán với đại diện của chính quyền Syria", Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian phát biểu tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Nga.

"Đây là điều kiện quan trọng nhất", ông Hossein Amirabdollahian nhấn mạnh.

Ông Amirabdollahian cũng kêu gọi Saudi Arabia dừng ngay hành động của mình mà theo ông sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông. Ông cho rằng, Riyadh đang cố gắng để nâng cao ảnh hưởng của mình tại các cuộc đàm phán Geneva bằng cách để "khủng bố" trong danh sách phe đối lập.

Hiện Chính phủ Syria với sự hỗ trợ của các cuộc không kích của Nga và lực lượng dân quân đồng minh, trong đó có Iran đang giành nhiều thắng lợi trên chiến trường.

Sputnik News dẫn thông cáo của Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Syria ngày 26/1 cho biết, các nhóm phiến quân tại các thị trấn và các làng mạc chiến lược như al-Ghnaimiye, al-Qalai’e, Beit Sukkar, al-Ouainat, Khan al-Joz, Beit Riha, Bradon, al-Souda, al-Khadra, Reef Mekhtaro, al-Jamousiye, al-Saraya, al-Rayyana và al-Shakria đã bị quét sạch.

Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống al-Assad đang thắng thế, một quan chức cấp cao thuộc đảng Baath cầm quyền tại Syria tuyên bố rằng, chính phủ nước này sẽ không có những nhượng bộ mới trong đàm phán hòa bình.

Theo tờ Ha'aretz (Israel), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiết lộ rằng, cuộc đàm phán giả sử diễn ra cũng sẽ không phải là cuộc gặp trực tiếp "mặt đối mặt". Mặc dù kỹ thuật này từng giúp ích cho các nhà đàm phán giải quyết một số cuộc xung đột ở những nơi khác, song cách thức này cũng cho thấy các bên ở Syria còn quá nhiều chia rẽ.

Với quá nhiều bất đồng trước thềm đàm phán, nhiều ý kiến cho rằng cuộc đàm phán này có nguy cơ bị trì hoãn lần thứ 2 chỉ trong vòng một tuần. Giả sử trong trường hợp nó có thể diễn ra, cũng khó có thể mong đợi một kết quả khả quan nhằm có thể vãn hồi hòa bình cho Syria trong một sớm một chiều./.

Tệp đính kèm