Cập nhật: 31/01/2016 10:37:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những con sóng trên Cảng biển Danang MRCC những ngày đầu xuân vẫn bình yên thả vào bờ những lời trùng khơi vạn dặm. Vài cọng nắng xuyên qua khóm lau mềm. Tôi ngồi ở chân cầu cảng, nơi tôi và các đồng nghiệp của mình đã không ít lần ngồi đợi tàu các anh về khi nghe tiếng còi tàu hú vang ngoài cảng. Mùa xuân như ấm hơn và với các anh, những nguy hiểm, khó khăn trong hành trình chạm sóng, chạm lằn sinh - tử vẫn không thể thay đổi được nghề đã chọn. “Cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển đã không còn là công việc thường ngày mà là mệnh lệnh trái tim” - Thuyền trưởng tàu SAR 274 Nguyễn Văn Hòa nói với tôi như thế.

Các thủy thủ tàu SAR 274 luôn sẵn sàng cho

những chuyến vượt sóng cứu hộ, cứu nạn.

Tàu là nhà, biển cả là quê hương

Đã nhiều lần chứng kiến cảnh tàu SAR 274 lai dắt tàu cá bị nạn và đưa các thuyền viên vào cầu cảng Danang MRCC an toàn, nhưng mãi tới hôm nay tôi mới có dịp được ngồi dưới tàu nghe các anh tâm sự về nghề trong nỗi chông chênh của những người thủy thủ với quyết tâm “Tàu là nhà, biển cả là quê hương - Tính mạng con người là trên hết”. Vượt sóng, đạp gió để cứu ngư dân, với họ mỗi người mỗi việc, khi ở bờ cũng như khi trên biển. Không ai bảo ai, công việc cứ thế chạy êm ru như những ngày biển lặng. Những khuôn mặt rám nắng, dày dạn kinh nghiệm biển khơi là thế nhưng khi nói về công việc của mình, họ luôn mỉm cười. Thuyền trưởng tàu SAR 274 Nguyễn Văn Hòa đúc kết: Có lẽ, cái khó nhất là thời tiết. Nếu đi cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện thời tiết gió bão, sóng to, gió giật trên cấp 7, cấp 8. Nhưng khi có lệnh cứu người, thuyền trưởng là người quyết định xem có thể đi được hay không, bằng mọi cách phải có mặt nhanh nhất, kịp thời nhất cứu ngư dân là điều được đặt lên hàng đầu. Nhiều vụ đi cứu nạn, lúc đến vị trí ngư dân bị nạn, sóng đập tràn cả mạn tàu, anh em trơn trượt, ướt hết nhưng vẫn bám trụ để tìm cách thả xuồng tiếp cận ngư dân. Trách nhiệm, dù sóng to gió lớn đến mấy cũng vượt qua, động viên bản thân và anh em cùng cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.

“Suốt những hải trình cứu hộ, cứu nạn, điều gì làm anh xúc động nhất”, tôi hỏi thuyền trưởng Hòa, và thuyền phó Nguyễn Minh Hường. Chừng như câu hỏi đó của tôi đã vô tình chạm vào những nỗi niềm sâu kín nhất của họ. Trong công việc cứu hộ, cứu nạn, kỷ niệm thì nhiều nhưng với thuyền trưởng Hòa, 15 năm qua trên những hải trình đó, tàu SAR 274 đều cứu sống ngư dân và chưa có trường hợp nào tử vong. Thuyền trưởng Hòa nói đó là may mắn rất lớn bởi trước nhiều khó khăn giữa biển khơi, người ngư dân vô cùng bé nhỏ. Phải đối mặt với rất nhiều bất trắc mà đằng sau họ, là cả gia đình, vợ con, cha mẹ. Hầu hết những người đi biển đều là trụ cột trong gia đình, bởi thế, nhỡ không may họ xảy ra chuyện gì, nỗi buồn lo lại càng thêm nặng cho những người vợ, người mẹ ở đất liền. Có lẽ dấu ấn nhớ nhất của thuyền trưởng Hòa cũng như lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam cho đến bây giờ là vụ cứu sống toàn bộ 28 thuyền viên trên tàu

Sông Thương, bị chìm vào cuối tháng 12-2014. Lúc nhận lệnh đi cứu tàu này, trung tâm cấp báo tàu Sông Thương trên hành trình từ Đà Nẵng đi Quảng Ninh, tàu đi cách Đà Nẵng hơn 50 hải lý thì các thủy thủ phát hiện nước vào hầm hàng và tàu bị nghiêng mạnh về mạn phải từ 30o đến 40o rất nguy hiểm. Thuyền trưởng Hòa và các thủy thủ đã lên tàu SAR 27-01 (nay tàu này đã chuyển vào Nhatrang MRCC) đi cứu nạn. Khi tới hiện trường thì tàu bị nạn đã chìm hẳn và 28 thuyền viên đã rời tàu bằng phao cá nhân, bị sóng đánh trôi trên biển dưới thời tiết lạnh. Bằng kinh nghiệm, thuyền trưởng Hòa cùng anh em thuyền viên đã đạp sóng, gió dữ với thời tiết lúc bấy giờ là 11oC để cứu sống được toàn bộ 28 thuyền viên. Thuyền trưởng Hòa xúc động nhớ lại, lúc đã tiếp cận và cứu sống và chuyển được 28 thuyền viên trên tàu an toàn, thuyền trưởng tàu Sông Thương Nguyễn Hồng Hải đã nắm lấy tay anh và nói trong nước mắt “Các anh đã sinh ra chúng tôi lần thứ hai”. Mặc dù đã mệt nhoài vì vật lộn với sóng to, gió lớn nhưng chỉ với câu nói đó cũng đủ để các thủy thủ tàu mỉm cười và động viên các thuyền viên bị nạn yên tâm để đưa vào bờ an toàn.

Trong năm 2015, tàu SAR 274 đã 13 lần cứu hộ, cứu nạn với 83 ngư dân, trong đó có một thuyền trưởng người nước ngoài là ông Xát-tơ-gi Tu-hin-đra Nát (58 tuổi, quốc tịch Ấn Độ), thuyền trưởng tàu Hanjin California (quốc tịch Li-bê-ri-a). Vị thuyền trưởng này bị lên cơn đau tim khi tàu Hanjin California trên hành trình từ Trung Quốc đi Xin-ga-po tại tọa độ 16019N - 111001E (cách Đà Nẵng khoảng 160 hải lý).

“Nghề này hay lắm. Nếu ai không có tâm gắn bó thì dễ đứt nửa chừng bởi không trường hợp nào giống trường hợp nào. Cảm động nhất là những ngư dân tỉnh Bình Định đã trở lại cảng và tìm đến anh em tàu SAR 274 để cảm ơn”, thuyền trưởng Hòa xúc động nói.

Như tâm niệm của thuyền phó tàu SAR 274 Nguyễn Minh Hường: Nghề của mình tuy vất vả, sóng gió, nhưng tâm nguyện một điều cố gắng cứu người. Nghề biển nhiều tai nạn, cố gắng mẫn cán làm hết sức mình và nguyện cho sóng yên gió lặng. Cho tôi chọn lại tôi vẫn chọn nghề này. Mình có tâm, giúp được một người là nhân thêm hạnh phúc. Anh em chúng tôi đều có chung tâm niệm đó. Có mặt kịp thời, an ủi ngư dân lúc hoạn nạn, đem lại một niềm tin, chỗ dựa vững vàng cho họ yên tâm bám biển, bám ngư trường, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Nhật ký hành trình Hoàng Sa

Quen với công việc hằng ngày, những người thủy thủ trên các tàu cứu nạn của Danang MRCC, không ai bảo ai, vẫn tự nhắc nhở mình, có thời gian nào đó trong tuần được nghỉ ngơi thì cũng phải quẩn quanh gần tàu. Những lúc nghỉ ngơi hiếm hoi, họ lại tập trung bảo dưỡng, sửa chữa máy móc của tàu.

Bởi nếu có lệnh điều động cứu hộ, cứu nạn, thì sau 20 phút tất cả phải có mặt, sẵn sàng lên tàu, xuất bến. Trên những hành trình vượt trùng khơi, bão tố để cứu ngư dân, đã không ít lần trước cánh sóng trên biển Hoàng Sa, tàu SAR 412 - Cánh chim hải âu trắng dũng mãnh của Danang MRCC thường xuyên nhận lệnh đi Hoàng Sa cứu nạn - Đã phải vượt qua nhiều thử thách, khó khăn, từng có những phút giây đối diện cái chết nhưng vẫn vững vàng tay lái để tìm mọi cách tiếp cận tàu cá bị nạn, cứu bằng được ngư dân. Dù công việc đã trở thành mệnh lệnh trái tim nhưng đằng sau niềm vui, hạnh phúc khi đưa được các ngư dân bị nạn vào bờ, thì những trang nhật ký hành trình Hoàng Sa lại lần nữa thấm thêm vị mặn của biển và nước mắt người thủy thủ. Lần giở từng trang cuốn nhật ký ghi lại hành trình cứu hộ, cứu nạn trên biển, tâm trạng của thuyền trưởng tàu SAR 412 Phan Xuân Sơn đã không ít lần lắng lại. Bởi với anh và 20 thủy thủ của tàu, chưa khi nào chùn bước, dù trước mũi sóng, khó lường trước những bất trắc biển khơi. Tàu SAR 412 là con tàu đầu đàn của Danang MRCC, các thủy thủ tàu đã năng động, sáng tạo, tăng khoang cấp nhiên liệu lên nhiều lần để tăng thời gian, cự ly hoạt động cứu hộ, cứu nạn nhiều ngày trên biển.

- Kỷ niệm nào đặt dấu ấn trong anh trên những hành trình này? Tôi cắt dòng suy nghĩ của vị thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm biển khơi Phan Xuân Sơn.

- Kỷ niệm thì không thể kể hết được vì mỗi lần được lệnh rời bến để cứu hộ, cứu nạn, là một lần chúng tôi ghi dấu ấn trong nhật ký hành trình. Nhưng có lẽ lá cờ Tổ quốc mới mà ngư dân Bình Định quyết cắm trên mũi tàu cá BĐ 95569TS trước khi tàu chìm đã để lại dấu ấn khó phai trong tôi. Hình ảnh đó đã trở thành niềm tự hào và tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi hoàn thành sứ mệnh cứu hộ, cứu nạn, sát cánh cùng bà con ngư dân. Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn trải lòng.

Hình ảnh lá cờ Tổ quốc mà thuyền trưởng Sơn nhắc đến diễn ra vào ngày 11-2-2015 khi tàu SAR 412 nhận lệnh xuất bến cứu nạn sáu thuyền viên trên tàu BĐ 95569TS bị chìm tại khu vực đảo chìm Chim Yến, nằm giữa trung tâm quần đảo Hoàng Sa. Tàu SAR 412 vẫn bình tĩnh hạ xuồng tiếp cận tàu cá bị nạn cứu các ngư dân. Tất cả sáu ngư dân được cứu sống hôm đó, trước khi lên xuồng cứu hộ của tàu SAR 412, họ đã treo lên cột buồm cao nhất phía mũi tàu BĐ 95569TS một lá cờ Tổ quốc. Chính hình ảnh ấy đã gây niềm xúc động lớn đối với các thủy thủ tàu SAR 412, chạm được sâu thẳm trái tim và tiếp thêm cho họ sự vững vàng, kiên định trước công việc của mình.

Gắn bó với tàu SAR 412 đã 11 năm, chưa một lần vị thuyền trưởng này nao núng. Lòng can đảm, sự quyết đoán trong anh đã truyền sang cho các thủy thủ của tàu. Họ cùng đồng lòng và cùng thống nhất mọi hành động, việc làm của mình khi thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên biển. Mỗi năm, tàu này đã cứu được hàng trăm ngư dân bị nạn trên biển. Giám đốc Danang MRCC Bùi Tân Nguyên tự hào vì đơn vị có những người thuyền trưởng giàu kinh nghiệm như anh Hòa, anh Sơn cũng như các thủy thủ tàu dạn dày sóng nước. Đã không ít lần cùng anh em lên tàu đi cứu nạn, chia sẻ với anh em những tình huống khó khăn trên biển, ông hiểu rằng, có lẽ chính nhờ lòng tâm huyết với nghề, các em đã phải bỏ lại sau lưng những nỗi lo riêng tư để hoàn thành công việc.

Nhớ nhất vào ngày 23-10-2015, chúng tôi - những phóng viên chuyên làm tin nóng, đã ngồi đợi hàng giờ ở cầu cảng để đón tàu SAR 412 đưa 11 ngư dân tỉnh Khánh Hòa trên tàu cá KH 96977 TS gặp nạn vào bờ. Hôm đó, Tổng Giám đốc Vietnam MRCC Nguyễn Anh Vũ đã bay từ Hà Nội vào để cùng dự lễ bàn giao ngư dân bị nạn. Tàu vừa cập cảng, nhiều ngư dân được dìu lên bờ. Thuyền trưởng Phan Văn Sơn lúc đó, dù đã thấm mệt tự hào nói rằng, không có gì thay đổi, cản trở được sứ mệnh cứu hộ, cứu nạn ngư dân Việt Nam trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Anh nói rằng, lúc đó, giữa những khó khăn, cùng lúc, Vietnam MRCC đã phối hợp với Cục Kiểm ngư, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) trao đổi qua đường dây nóng, qua đường ngoại giao với phía Trung Quốc. Sau ba giờ kiên trì trao đổi với các cơ quan liên quan của Trung Quốc, tàu SAR 412 đã tiếp cận tàu KH 96977 TS và cứu được toàn bộ ngư dân bị nạn. “Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi luôn kiên trì, bản lĩnh và thực hiện đúng nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển để bằng mọi giá tiếp cận, đưa ngư dân về đất liền an toàn”, anh tự hào nói về công việc của mình.

Chia tay những người thủy thủ, tôi muốn một lần nữa ngồi lại thật lâu trên cầu cảng, nơi chứng kiến những niềm vui và cả nước mắt, những phút giây hạnh phúc khi các tàu cứu hộ, cứu nạn cập cảng đưa tàu cá và ngư dân về bờ. Những hồi còi báo hiệu tàu về tới cảng đã như một âm thanh thường trực trong tôi. Nhớ lời thuyền trưởng tàu KH 96977 TS Phan Thành Kim xúc động nói khi được cứu cùng 11 ngư dân hôm 23-10-2015: Được cứu an toàn, tôi còn nợ các anh em tàu SAR 412 nhiều lắm. Có họ, chúng tôi, những ngư dân miền trung lại tiếp tục vươn khơi, bám biển. Làm những lá chắn sống giữ gìn chủ quyền biển, đảo quê hương./.

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm