Chiều 22/2, tại TP HCM, Bộ Công thương họp bàn về mở rộng thị trường xuất khẩu gạo năm 2016.
Gạo là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam
Tham dự cuộc họp có các tham tán thương mại Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ với các doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội các doanh nghiệp lương thực Việt Nam.
Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu đạt gần 6,6 triệu tấn gạo, trị giá hơn 2,8 tỷ USD, tăng 4% về số lượng, giảm 4,5% về giá trị xuất khẩu so với năm 2014.
Theo dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam 2016 diễn biến sẽ khó lường do tác động của do hiện tượng El Nino, tình hình xâm nhập mặn, cạnh tranh từ các quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan…
Vì vậy, thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Gạo của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 54% thị phần của thị trường này.
Sản lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng lớn sẽ nhiều rủi ro. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mở rộng ra thị trường mới như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc… Tuy nhiên, các thị trường này sử dụng gạo cao cấp, trong khi Việt Nam chỉ mới xuất khẩu khoảng 27% gạo chất lượng cao và hạt gạo của Việt Nam chưa có thương hiệu, công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế…
Vì vậy, việc nâng chất lượng hạt gạo từ hạt giống, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ vốn để đầu tư cánh đồng mẫu lớn… là những yếu tố rất quan trọng.
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, trong các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp cần sự định hướng của cơ quan Nhà nước về thị trường, đặc biệt của Hiệp hội lương thực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong xúc tiến và phát triển thị trường với các mô hình, hình thức cho phù hợp.
“Đây cũng là yêu cầu đặt ra cho Bộ Công thương trong việc đổi mới hình thức xúc tiến thương mại cho đặc thù riêng cho nông sản và gạo, phù hợp ở từng thị trường như thị trường cũng mang tính đặc thù như Trung Quốc khác với thị trường Châu Âu,” Thứ trưởng nhấn mạnh ./.
Theo Lệ Hằng/VOV.VN - TPHCM