Cập nhật: 24/02/2016 10:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việt Nam là nước duy nhất phải chứng kiến chi phí nhập khẩu ròng tăng với mức tăng 1% GDP do lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh.

Giá dầu giảm đã khiến PVN hụt thu tới 163.400

 tỷ đồng trong năm 2015. (Ảnh minh họa: KT)

Báo cáo vừa công bố bởi hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho thấy, tính đến ngày 11/2, giá dầu thô đã giảm tổng cộng 44% so với 1 năm trước và giảm tới 75% so với đầu năm 2013. Trong số các nước châu Á - khu vực nhập khẩu dầu thô lớn nhất toàn cầu, giá dầu lao dốc mang lại lợi ích cho Thái Lan trong khi Việt Nam và Malaysia bị thiệt hại nặng nề nhất.

Fitch Ratings đánh giá, Việt Nam là nước duy nhất phải chứng kiến chi phí nhập khẩu ròng tăng với mức tăng 1% GDP do lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh. Kể từ năm 2013, cán cân vãng lai của Việt Nam đã suy giảm và phần lớn là do lực cầu nội địa tăng mạnh, mặc dù kim ngạch xuất khẩu dầu giảm cũng đóng góp một phần nguyên nhân.

Fitch nhận xét, nếu chi phí nhập khẩu dầu giảm sẽ giúp cải thiện khả năng cán cân thanh toán và là yếu tố để nâng xếp hạng. Hơn nữa, cắt giảm trợ cấp năng lượng và dùng số tiền thu được để bù đắp thâm hụt ngân sách cũng sẽ giúp cải thiện mức xếp hạng.

Trong khi đó, báo cáo đánh giá tác động, ảnh hưởng giảm giá dầu đến kinh tế vĩ mô và DN Việt Nam của Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV đưa ra nhận định, giá dầu sụt giảm mạnh năm 2015 và dự kiến tiếp tục giảm thêm trong năm 2016 có những ảnh hưởng trái chiều đến các chủ thể của nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể là khi Chính phủ và các DN ngành khai thác dầu bị thiệt hại thì đối với hầu hết các ngành kinh tế, DN và người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên, xét về tổng thể giá dầu giảm mang lại tác động bất lợi nhiều hơn đối với nền kinh tế khi số giảm thu xuất khẩu dầu thô và xăng dầu các loại nhiều hơn số giảm chi nhập khẩu nhóm hàng này năm 2015 tương đương 446 triệu USD. Mức giảm ròng của thu từ xuất khẩu so với chi nhập khẩu này gây ảnh hưởng giảm tổng cầu và tăng trưởng so với khả năng của nền kinh tế.

Giá dầu giảm cũng có những tác động tiêu cực đến một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chịu tác động nặng nề nhất là các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dầu khí. Cụ thể, việc giá dầu ở mức thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp, làm giảm đơn giá cũng như nhu cầu các dịch vụ dầu khí, qua đó làm giảm doanh thu và lợi nhuận của nhóm các doanh nghiệp này.

Theo ước tính của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), việc giá dầu giảm xuống mức 48 USD/thùng đã khiến cho Tập đoàn này bị hụt thu tới 163.400 tỷ đồng trong năm 2015. Không chỉ riêng PVN, nhiều doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí niêm yết trên TTCK cũng chịu những tác động tương tự.

Trung tâm nghiên cứu thuộc BIDV cho rằng, trước những diễn biến của giá dầu và ảnh hưởng của nó đến tình hình kinh tế vĩ mô cũng như các ngành kinh tế, Chính phủ cần phải có những giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả, hạn chế tác động tiêu cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn./.

Theo PV/VOV.VN

Tệp đính kèm