Việc xét tuyển theo nhóm trường không phải dễ dàng vì mỗi trường đều phải chú ý trước hết là lợi ích của trường mình, sau đó mới đến lợi ích nhóm.
Phó Giáo sư Văn Như Cương
Dự kiến, cuối tháng 3/2015, Bộ GD-ĐT sẽ chính thức công bố Quy chế thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2016 để các địa phương, trường THPT, đại học, cao đẳng thực hiện. Tuy nhiên, với những sửa đổi, bổ sung một số điều về tổ chức cụm thi, xét tuyển do Bộ GD-ĐT vừa đưa, Phó Giáo sư (PGS) Văn Như Cương- người có nhiều đóng góp cho việc đổi mới giảng dạy, thi cử ở cấp THPT vẫn còn bày tỏ nhiều băn khoăn, lo lắng.
PV: Thưa PGS, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, thí sinh có thể được đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên và không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký. Như vậy, số nguyện vọng đã giảm đi so với năm 2015. PGS đánh giá như thế nào về sự thay đổi này của Bộ GD-ĐT?
PGS Văn Như Cương: Thực ra, càng nhiều nguyện vọng bao nhiêu thì số thí sinh “ảo” càng lớn bấy nhiêu. Theo tôi, các biện pháp trên của Bộ GD-ĐT là nhằm giảm số thí sinh “ảo” và có tác dụng tốt cho thí sinh chọn vào trường đại học mà mình mong muốn, yêu thích khi vào học, chứ không phải cứ vào trường nào cũng được.
PV: Trong đợt xét tuyển bổ sung, mỗi thí sinh được đăng ký vào 3 trường. Như vậy, số thí sinh “ảo” sẽ tăng lên. Có ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT không cần phải đưa ra nhiều nguyện vọng như vậy. Quan điểm của PGS về vấn đề này như thế nào?
PGS Văn Như Cương: Theo tôi không nên đưa ra quá nhiếu nguyện vọng như vậy vì có thể sẽ khiến cho việc xét tuyển trở nên phức tạp hơn. Các trường đại học, cao đẳng có thể khó xử lý công việc khi lượng hồ sơ “ảo” không đoán định trước được.
PV: Năm nay, thí sinh được lựa chọn xét tuyển theo nhóm trường. PGS nhận định như thế nào khi các trường sẽ xét tuyển theo hình thức này?
PGS Văn Như Cương: Đây là sáng kiến của một số trường đại học, cao đẳng và được Bộ GD-ĐT khuyến khích. Tuy nhiên, tôi rất lo ngại về tính khả thi của nó. Các trường có thể họp nhau thành nhóm, nhưng cũng nhiều trường sẽ không tham gia vào nhóm nào cả.
Các nhóm sẽ tạo kho dữ liệu và dùng chung phần mềm xét tuyển. Việc thống nhất trong nhóm cũng không phải dễ dàng gì, vì mỗi trường khi định ra điểm ngưỡng của trường mình đều phải chú ý trước hết là lợi ích của trường, sau đó mới đến lợi ích nhóm… Ngoài ra, việc khá nhiều trường không tham gia nhóm cũng có thể gây ra các rắc rối chưa lường trước được.
PV: Năm nay, mỗi tỉnh, thành trực thuộc Trung ương được tổ chức cụm thi. Như vậy, kinh phí tổ chức thi sẽ tăng lên. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT lại cho rằng, ngân sách Nhà nước chi trả cho cán bộ coi thi sẽ nhiều hơn năm 2015 nhưng bù lại kinh phí chi cho kỳ thi từ gia đình thí sinh giảm đi. Vì vậy, nhìn tổng thể, nếu có độ phát sinh cho việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 sẽ không lớn. PGS có ý kiến gì về vấn đề này?
PGS Văn Như Cương: Thực ra kinh phí của gia đình không phải chỉ cho việc ăn, ở trong 3 ngày tại điểm thi. Việc thí sinh nộp hồ sơ vào, rút hồ sơ ra, đi lại, theo dõi tình hình điểm thi đến phút cuối mới là vất vả và tốn kém. Nhưng dù cho tốn kém nhưng mà đạt được một kì thi thành công thì chúng ta vẫn phải làm. Cho đến giờ này, kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 chưa có gì nói trước được.
PV: Xin cảm ơn PGS!./.
Theo Bích Lan/VOV.VN