Cập nhật: 08/03/2016 09:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau hơn một năm triển khai thực hiện, Nghị định 67 đã dần đi vào cuộc sống, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân về phát triển đội tàu vỏ thép công suất lớn. Chính vì vậy, mới đây tại Quảng Ngãi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị “Sơ kết hơn 01 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.”

Tàu đánh cá lưới vây vỏ thép Hoàng Anh 01. (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/TTXVN)

Cam kết giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng

Sau hơn một năm triển khai thực hiện, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 385 tàu (đóng mới 365 tàu, nâng cấp 20 tàu) với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng. Mức cho vay theo nhu cầu của khách hàng từ 60%-95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp con tàu; tài sản bảo đảm là chính con tàu vay vốn đóng mới, nâng cấp.

Giải ngân và dư nợ đến thời điểm báo cáo đạt gần 2.000 tỷ đồng. Từ tháng 6 năm 2015 đến nay, việc ký kết các hợp đồng tín dụng của ngư dân đã tăng lên đáng kể (số lượng hợp đồng tín dụng được ký kết tăng gấp 5 lần so với thời điểm 30/6/2015). Đến nay, đã có 84 tàu cá đóng mới và 12 tàu nâng cấp được hạ thủy đi vào hoạt động.

Tại Hội nghị lần này, đã có thêm 14 hợp đồng tín dụng nữa được ký kết giữa các ngân hàng thương mại và ngư dân để đóng mới thêm 14 con tàu công suất lớn, hiện đại với số tiền các ngân hàng cam kết cho vay đợt này là hơn 190 tỷ đồng.

Là một trong những ngân hàng luôn đồng hành cùng bà con ngư dân, phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Du, Phó Tống giám đốc Vietinbank luôn xác định việc phát triển ngành thủy hải sản luôn là ngành mũi nhọn, cần quan tâm phát triển. Do đó, trong thời gian qua, ngân hàng này đã cho vay hàng ngàn tỷ đồng để thúc đẩy ngành thuỷ sản. Hiện tại dư nợ của ngành thuỷ sản tại VietinBank khoảng 1.500 tỷ đồng. Trong đó, cho vay thu mua và chế biến xuất khẩu thuỷ sản với dư nợ khoảng 12.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 90% dư nợ toàn ngành. Dư nợ đối với mảng nuôi trồng, đầu tư cơ sở hạ tầng và đóng tàu chiếm khoảng 1.500 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% dư nợ toàn ngành tại Vietinbank.

Đại diện Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua, thủ tục vay vốn đã có nhiều cải tiến và thông thoáng hơn, tuy nhiên do trình độ của ngư dân còn hạn chế nên vẫn gặp khó khăn khi làm các thủ tục, hồ sơ vì vậy Hiệp hội nghề cá đề nghị các ngân hàng thương mại chỉ đạo cán bộ tín dụng giúp đỡ, hỗ trợ thêm cho ngư dân trong quá trình làm hồ sơ thủ tục được thuận lợi và nhanh chóng.

Chính sách hoàn thuế vẫn gặp khó khăn

Tại hội nghị, mốt số đại biểu cũng nêu ra những vấn đề còn tồn tại trong quá trình triển khai chính sách như: Thuế giá trị gia tăng trong đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ; việc phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện nhưng chưa có nhu cầu đóng tàu, chưa quyết tâm tham gia Nghị định 67 làm chậm quá trình triển khai; vấn đề bảo hiểm, vấn đề về thực hiện mô hình chuỗi sản xuất-tiêu thụ, đảm bảo hiệu quả sản xuất của ngư dân…

Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho chủ tàu theo Nghị định 67 không được thực hiện, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế không thống nhất, khó hiểu.

Cục Thuế các địa phương không triển khai thực hiện được, gây khó khăn, thiệt thòi cho chủ tàu, trái với tinh thần nội dung của Nghị định 67 về việc ưu đãi hoàn thuế giá trị gia tăng cho chủ tàu. Hiện nay, Quảng Ngãi còn 14 tàu đã hoàn thành nhưng chưa có chủ tàu nào được hoàn thuế giá trị gia tăng, nếu không được hoàn thuế thì chủ tàu sẽ thiệt thòi rất lớn vì sẽ không thực hiện được phương án sản xuất kinh doanh để vay vốn đã ký với các Ngân hàng thương mại, dẫn đến nguy cơ không trả nợ kịp thời theo phương án.

Ông Thọ kiến nghị, song song với việc hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng tàu công suất lớn, đề nghị Chính phủ tăng cường bố trí ngân sách đầu tư cho hạ tầng nghề cá như thông luồng các cửa biển bị bồi lấp, đầu tư hoàn thiện, nâng cấp hệ thống cảng cá, khu neo đậu trú bão tàu cá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng khai thác bền vững trong thời gian tới. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần hướng dẫn vị trí “xa bờ” của tàu dịch vụ hậu cần ở tọa độ, vùng biển cụ thể để thực hiện hỗ trợ cho các tàu dịch vụ hậu cần.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng, Nghị định 67 khuyến khích người dân đóng tàu vỏ thép công suất lớn, tuy nhiên người dân trước đây chỉ quen đóng, sử dụng tàu gỗ truyền thống, vì vậy khi đóng tàu vỏ thép theo chương trình đã phát sinh một số vấn đề như: giá trị đầu tư con tàu vỏ thép quá lớn so với tàu vỏ gỗ, cơ sở đóng tàu vỏ thép ít, ở xa; cơ sở hạ tầng nghề cá ở các địa phương chưa phù hợp với tàu vỏ thép công suất lớn...

Để giải quyết những khó khăn vướng mắc này, các ý kiến tham luận đều nhất trí cho rằng cần phải có những giải pháp căn cơ và lâu dài với sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các địa phương và các bộ, ngành đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong việc đầu tư hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho hoạt động đánh bắt, giao thông đường thủy; triển khai các mô hình liên kết trong hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản; hướng dẫn thống nhất về thuế giá trị gia tăng...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp rà soát, tháo gỡ các khó khăn của ngư dân trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong Nghị định 67.

Cũng theo ông Bình, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 và các Bộ, ngành cũng đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn tháo gỡ cơ bản những vướng mắc của người dân, nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát, lắng nghe phản ánh của ngư dân để kịp thời có biện pháp tháo gỡ.

Thống đốc khẳng định, đây là một chương trình xuyên suốt chứ không phải là chính sách nhất thời. Có thể giai đoạn sau sẽ có những chính sách mới và thay đổi theo từng thời kỳ cho phù hợp với bà con ngư dân.

Thống đốc cho biết đã từng trao đổi với các ngân hàng thương mại, ở địa phương nào chưa đưa ngân hàng vào ban thẩm định thì ngân hàng đó phải xin vào ngay từ đầu, tránh tình trạng là tỉnh duyệt rồi nhưng ngân hàng lại chưa cho vay được mà lại phải thẩm định sẽ mất nhiều thời gian.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

“Trong tình hình phức tạp trên biển Đông hiện nay, các ngư dân tham gia khai thác hải sản ở các vùng biển xa phải đoàn kết, liên kết với nhau để vừa khai thác vừa hỗ trợ lẫn nhau để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Các địa phương nghiên cứu và tổng kết các mô hình tổ đội, hợp tác xã liên kết khai thác trên biển để hướng dẫn ngư dân tham gia. Khuyến khích các mô hình liên kết theo tổ, đội khai thác trên biển có sự tham gia của các tàu hậu cần nghề cá, các cơ sở chế biến nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người dân,“ Thống đốc nhấn mạnh./.

THÚY HÀ (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/thong-doc-rut-ngan-thoi-gian-tham-dinh-de-ho-tro-ngu-dan/374639.vnp

Tệp đính kèm