Cập nhật: 10/03/2016 09:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sống vui vẻ, lạc quan, ăn uống điều độ, luyện tập thường xuyên và chú ý đến sức khoẻ của mình là những biện pháp không khó thực hiện để người cao tuổi có cuộc sống khoẻ mạnh và có ích. Dưới đây là 5 cách đơn giản người cao tuổi nên tham khảo và áp dụng cho bản thân mình.


Giữ tâm hồn thanh thản

Có một tâm hồn thanh thản, luôn giữ cuộc sống lạc quan, yêu đời và đón nhận niềm vui là liều thuốc duy trì thăng bằng của hệ thần kinh, tăng cường sức sống trong cơ thể. Có nhiều người cho rằng khi thêm một tuổi nghĩa là mình đang già đi trong khi những người sống vui vẻ hoạt bát và coi mình còn trẻ thì bản thân họ lại trẻ tới trên chục tuổi. Do đó cần nghĩ rằng mình luôn còn trẻ, ý nghĩ tích cực này làm cho những người xung quanh thấy vui lây và cuộc sống có thêm nhiều ý nghĩa.

Để giữ cuộc sống không nhàm chán, người cao tuổi cần tránh việc suốt ngày ở nhà dọn dẹp, xem ti vi, nằm nhiều mà cần ra ngoài gặp gỡ, giao lưu, tham gia các câu lạc bộ sinh hoạt cho người cao tuổi, đi tham quan du lịch  nếu có điều kiện. Mặc dù không còn tham gia công tác, học tập nhưng thời gian về hưu cũng chính là thời điểm người cao tuổi có điều kiện thăm hỏi, gặp gỡ bạn bè cũ để ôn lại những kỷ niệm vui, tâm sự, chia sẻ cuộc sống gia đình. Hàng ngày, nên tranh thủ ra ngoài trời đi dạo để thưởng thức bầu không khí trong lành, tiếp xúc với thiên nhiên.

Ăn uống đủ chất

Người cao tuổi là đối tượng cần được chăm sóc đặc biệt về dinh dưỡng vì cơ thể thường đã bị lão hóa. Chức năng của các cơ quan, bộ phận đều bị suy giảm. Hàm răng yếu, nhai cắn thức ăn khó khăn. Tuyến nước bọt bị teo, thiếu nước bọt nên nuốt khó. Dạ dày và ruột cũng teo đi. Dịch vị giảm, lượng men tiêu hóa giảm. Hoạt động của gan, thận yếu đi. Ăn khó tiêu. Nhu động của ruột giảm dễ gây táo bón. Do vậy cần có một chế độ ăn uống hợp lý, cụ thể.

Do nhu cầu năng lượng giảm nên cần giảm mức ăn so với thời trẻ, trước hết là ăn giảm cơm, trước đây mỗi bữa ăn ba, bốn bát cơm, nay chỉ nên ăn hai hoặc một bát. Chú ý giảm thịt, giảm mỡ, giảm đường, giảm muối bằng cách ăn nhạt dần vì ăn muối nhiều có liên quan đến bệnh tăng huyết áp. Ăn thêm đậu, lạc, vừng và cá vừa có nhiều chất đạm lại có nhiều chất dầu giúp phòng các bệnh tim mạch. Mỗi tuần ăn 2-3 bữa cá. Nên ăn cá nhỏ, kho thật nhừ để ăn được cả xương có thêm canxi đề phòng bệnh xốp xương. Chú ý ăn nhiều rau để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón và bổ sung các vitamin và chất khoáng.

Khi chế biến thức ăn cần làm thức ăn mềm, dễ tiêu tăng cường món canh. Tránh ăn quá no, đặc biệt khi có bệnh ở hệ tim mạch.

Cần có giấc ngủ ngon

Mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc... là tình trạng phổ biến ở người cao tuổi, nếu kéo dài có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Vì vậy, bên cạnh việc tìm nguyên nhân và điều trị đúng cách, việc thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện phù hợp là biện pháp tốt nhất để người cao tuổi có giấc ngủ ngon.

Thức ăn và nước uống có những loại làm cho dễ ngủ, ngủ ngon hơn nhưng cũng có loại gây trằn trọc, khó ngủ. Để có giấc ngủ tốt, người cao tuổi phải ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Không nên uống rượu, bia và các chất kích thích gây tổn hại gan và gây mất ngủ như cà phê, các loại nước có gas. Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá. Nên duy trì các hình thức tập luyện phù hợp với sức khỏe như đi bộ, tập dưỡng sinh một cách đều đặn hay thực hiện các bài luyện tập nhẹ nhàng trước khi đi ngủ để dễ đi vào giấc ngủ và giấc ngủ sẽ sâu hơn. Nơi tập cần đảm bảo vệ sinh, không khí trong lành, thoáng mát, tốt nhất có cả nơi ngồi nghỉ tránh gió mưa đột ngột. Cần tạo môi trường yên tĩnh, thư giãn trước khi đi ngủ, bao gồm các điều kiện tối ưu về ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ. Tạo thói quen về giờ giấc sinh hoạt, đi ngủ. Mặc quần áo thoải mái, rộng rãi. Khi đi ngủ không nên đọc sách, xem ti vi, nhìn đồng hồ, tránh căng thẳng, lo lắng, xúc động...

Cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ

Suy giảm trí nhớ là tình trạng phổ biến đối với những người cao tuổi, thường là một tiến trình tự nhiên của sự lão hóa nên chưa cần thiết phải điều trị bằng thuốc mà chỉ cần áp dụng tích cực các biện pháp thường xuyên hoạt động trí não, sống trật tự, có phương pháp, việc nào ra việc ấy, luôn đọc sách, giao tiếp xã hội, luyện trí nhớ, liệt kê danh sách các công việc cần phải làm, lập thời gian biểu cho công việc hằng ngày, làm theo thời gian biểu công việc đã lập, đề ra những mục quan trọng cần chú ý thực hiện... Không uống rượu, bia vì rượu có thể thúc  đẩy nhanh quá trình suy giảm trí nhớ, thậm chí mất trí nhớ ở người cao tuổi. Với những bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ đã được xác định là do bệnh lý cần điều trị theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.

Kiểm tra sức khoẻ định kỳ

Tuổi càng cao thì sức khỏe càng yếu dần và nhiều chức năng của cơ thể bị suy giảm, trong đó có hệ thống miễn dịch. Do đó, người cao tuổi dễ mắc bệnh và bệnh mạn tính cũng thường hay bị tái phát. Một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi là bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thiểu năng mạch vành, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, tâm phế mạn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loét miệng, ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón, viêm loét dạ dày-tá tràng, viêm đại tràng mạn tính, đau xương, khớp, thoái hóa khớp...

Bên cạnh việc phòng bệnh ngay từ thời trẻ bằng cách xây dựng lối sống khoa học, ăn uống cân bằng đủ chất, năng luyện tập, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, thì người cao tuổi cần đi khám sức khoẻ định kỳ, nhất là mỗi khi nghi bản thân mình có bệnh để tầm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu mắc những bệnh có tính chất mạn tính, cần gặp bác sĩ để được tư vấn kiến thức về bệnh, cách điều trị và cách chung sống với nó để tránh những lo lắng không cần thiết.

BS. Nguyễn Văn An

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm