Tính đến ngày 8/3/2016, gần 42.000ha cây trồng tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bị ảnh hưởng và thiệt hại do hạn hán.
Nông dân tỉnh Long An bên ruộng lúa khô cằn. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)
Thông tin được đưa ra tại buổi sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2015-2016 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, Mùa năm 2016 tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức ngày 17/3.
Từ đầu năm 2016, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng xuất hiện sớm trên diện rộng, lượng mưa thiếu hụt khoảng 15-30% so với trung bình nhiều năm, nhiều nơi không có mưa như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa gây khô hạn nặng.
Do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước nên diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2015-2016 phải giảm hơn 20.000ha (tổng diện tích gieo trồng là 292.000ha). Nếu tình trạng hạn hán kéo dài như hiện nay, dự báo trong thời gian tới, tổng diện tích cây trồng các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bị ảnh hưởng là khoảng 140.000ha.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết từ đầu vụ Đông Xuân 2015-2016 đến nay, tình hình hạn hán diễn ra hết sức gay gắt trên địa bàn tỉnh, dẫn đến tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và dân sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.
Hiện nay khô hạn đang diễn ra gay gắt tại một số nơi thuộc các huyện Hàm Tân, Đức Linh, Tuy Phong và Bắc Bình. Lượng nước bị thiếu hụt nghiêm trọng trong mùa khô năm nay đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, trong vụ Đông Xuân 2015-2016, toàn tỉnh chỉ đủ nước để bố trí sản xuất 18.700 ha lúa, cắt giảm hơn 15.000 ha so với cùng kỳ năm 2015.
Do tình trạng thiếu nước diễn ra gay gắt, tính đến ngày 7/3, diện tích cây hàng năm bị thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh là 1.400ha. Hiện một số công trình cấp nước ở huyện Hàm Tân và Tánh Linh phải ngưng hoạt động vì thiếu nguồn nước cung cấp. Trên toàn tỉnh hiện nay có khoảng 90.000 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt.
Nhìn chung, trong khu vực Nam Trung Bộ, hạn hán đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ngay từ vụ Đông Xuân ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa (Bình Thuận đang là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất trong khu vực).
Ở vụ Hè Thu, hạn hán có thể tiếp tục xảy ra trên diện rộng do lượng nước trữ tại các hồ chứa đã cung cấp phần lớn cho cây trồng vụ Đông Xuân.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết dự báo trong vụ Hè Thu 2016, nắng hạn sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt đối với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, ảnh hưởng đến gieo trồng lúa và cây màu. Do vậy, các tỉnh cần tập trung phương án sản xuất vụ Hè Thu 2016 trong tình hình hạn hán, để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do sản xuất.
Trước mắt, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cần rà soát, cập nhật cân đối nguồn nước, xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý; trong đó ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; chuyển đổi diện tích trồng lúa vùng có nguy cơ thiếu nước sang các loại cây màu ít sử dụng nước hơn.
Các địa phương cần tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới ưu tiên, tiết kiệm nước cho lúa và các cây trồng; đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống kênh mương ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, tăng cường khả năng cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.../.
(TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/nam-trung-bo-va-tay-nguyen-mat-42000ha-cay-trong-do-han-han/376494.vnp