Cập nhật: 22/03/2016 09:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo y học cổ truyền, cà chua có vị ngọt chua, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, tăng tân dịch, chống khát nước, giúp thông tiểu tiện và tiêu hóa tốt, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như: nhiệt bệnh phiền khát, môi khô, họng khát do vị nhiệt, hay hoa mắt chóng mặt, chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiêu hoá kém, loét dạ dày, tăng huyết áp...

Cà chua, thức ăn vị thuốc rất tốt cho sức khỏe.

Cà chua là loại quả quen thuộc được dùng làm thực phẩm rất giàu vitamin và chất khoáng, cà chua có giá trị dinh dưỡng cao và có tác dụng chữa bệnh. Cà chua khi chín có màu đỏ tươi chứa rất nhiều vitamin A. Trong 100g cà chua chín tươi sẽ đáp ứng được 13% nhu cầu hàng ngày về vitamin A, 8% nhu cầu vitamin B6, từ 33-50% nhu cầu vitamin C. Ngoài ra, còn có vitamin B1 (0,06mg), B2 (0,04mg), PP (0,5mg). Các chất bổ dưỡng như đạm, đường, chất béo và khoáng vi lượng như canxi, sắt, kali, photpho... có lợi cho sức khỏe. Cà chua là một trong số ít các loại rau quả rất giàu carotenoid gọi là lycopene, một chất có đặc tính ngăn chặn ung thư. Đặc biệt cái loại vitamin B, vitamin C và beta carotene giúp cơ thể chống lại quá trình oxy hoá của cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, giảm thiểu nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và ung thư.

Một số bài thuốc chữa bệnh:

Bài 1: Phòng bệnh bướu cổ: Cải xoong 200g, cà chua 1 quả; rau mùi, kinh giới 10g; dầu ăn, gia vị, giấm. Cách làm: Cải xoong, cà chua, rau gia vị rửa sạch, để ráo. Cà chua thái lát. Cải xoong chần qua nước sôi; rau mùi, kinh giới thái nhỏ. Tất cả đem trộn đều với giấm, gia vị ăn thay rau. Mỗi tuần ăn 3 lần. Ăn thường xuyên sẽ giúp bổ sung iốt phòng bệnh bướu cổ hiệu quả.

Bài 2: Chữa sốt, khát nước: Cà chua 200g thái lát, sắc nước, uống thay trà trong ngày, uống nóng hay lạnh đều được. Cũng có thể dùng nước ép cà chua và nước ép dưa hấu mỗi thứ 200ml trộn đều, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Bài 3: Chữa bỏng lửa nhẹ: Tách lấy vỏ cà chua có dính thịt quả đắp lên chỗ bỏng, thỉnh thoảng lại thay sẽ giúp làm dịu vết bỏng, chống đau rát và kích thích da chóng hồi phục.

Bài 4: Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Vào sáng sớm (khi đói), lấy 1-2 quả cà chua, rửa sạch bằng nước sôi, thái thành miếng nhỏ, thêm chút đường cho đủ ngọt rồi ăn sống. Mỗi liệu trình kéo dài 15 ngày, nghỉ 3 ngày rồi tiếp tục liệu trình khác.

Bài 5: Hỗ trợ điều trị viêm gan mạn tính: Cà chua 250g rửa sạch, thái miếng; thịt bò 100g thái mỏng, xào ăn hằng ngày. Món ăn này có tác dụng điều hòa chức năng gan, bổ máu, tiêu hóa tốt, hỗ trợ tốt trong điều trị viêm gan mạn tính, giúp cơ thể nhanh hồi phục.

Bài 6: Giúp chắc răng, phòng chảy máu chân răng: Cà chua sống 1-2 quả, ăn ngày 3-4 lần, ăn trong 2 tuần sẽ có kết quả.

Lưu ý, cần chọn cà chua sạch, không có thuốc bảo vệ thực vật. Do trong cà chua sống có nhiều axit hữu cơ nên có thể gây co thắt túi mật, người bị bệnh sỏi mật không nên áp dụng, người mắc bệnh gút cần thận trọng, cần đến thầy thuốc để được tư vấn cụ thể.

BS. Nguyễn Thị Thúy

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm