Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đất nước chúng ta hội nhập rồi nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì ta sẽ thua ngay trên sân nhà.
Cần nhiều mô hình để phù hợp với từng địa phương, từng loại mặt hàng sản xuất (Ảnh minh họa: KT)
Phát biểu tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận định: “Đất nước chúng ta hội nhập rồi nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đảm nhận việc đó vì giá thành họ thấp hơn, chất lượng cao hơn. Ngay trên thị trường trong nước chúng ta cũng sẽ mất thị trường chứ chưa nói gì đến các thị trường quốc tế”.
Theo Thống đốc, “chính điều này khiến nhu cầu đẩy nhanh việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trở thành một nhu cầu rất bức xúc. Trong văn kiện Đai hội XII vấn đề này cũng được đặt ra bức thiết hơn nữa”.
Đưa doanh nghiệp vào nông thôn, nghe có vẻ dễ…
Nhìn lại quá khứ, ông Bình phân tích: Trong nhiệm kỳ vừa rồi, 2011-2015, nước ta đã đặt ra mạnh mẽ phải tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và đó là xu hướng tất yếu. Trước đây, trong một thời gian dài sản xuất mang tính chất là tự cung tự cấp. Ở vào thời kỳ Đổi mới, chúng ta vô cùng thiếu thốn, thiếu từ lương thực trở đi. Vấn đề đặt ra làm sao đáp ứng sản phẩm tiêu dùng cho trong nước. Sau một thời gian, không những chúng ta có sản lượng, mà còn có chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế. Từ đó, nhu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa được đặt ra, sản xuất không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu của quốc tế.
Việc thực hiện Nghị quyết 14, theo ông Bình, là phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhưng “nó tiến tới được việc làm sao để đưa được doanh nghiệp vào nông thôn, nghe có vẻ dễ nhưng muốn làm được thì phải làm sao để doanh nghiệp thấy được có lợi mới vào, người nông dân phải thấy được sự thay đổi”- ông Bình nhấn mạnh.
Quan điểm của Thống đốc là, trước đây, lấy hộ gia đình làm gốc, nay do yêu cầu cuộc sống mới, không thể tiếp tục sản xuất như trước nữa. Sản xuất hàng hóa lớn phải tích tụ tư liệu sản xuất lớn, có tiến bộ khoa học, với quy mô hộ gia đình không làm được việc đó và quan trọng nhất là phải có thị trường…. Nông dân tự thấy lợi ích chung, phải tham gia HTX, ở đây là HTX kiểu mới theo luật HTX.
Doanh nghiệp loay hoay tích tụ ruộng đất
Thống đốc còn cho biết, vừa qua, nhiều ĐBQH cũng bức xúc vật tư nông nghiệp, hàng giả, phân bón giả, nông dân ham rẻ mua vào, vật tư nông nghiệp mua bán tràn lan không rõ xuất xứ, không rõ công năng sử dụng… rất nhiều vấn đề. Nói đơn giản là người nông dân có nhu cầu tiếp cận vật tư nông nghiệp với giá hợp lý nhất, chất lượng đảm bảo, từ nhu cầu liên kết của các hộ sản xuất lại tạo ra HTX cung cấp vật tư nông nghiệp phục vụ cho sản xuất.
Trong mỗi khâu sản xuất nông nghiệp đều phải có nhu cầu liên kết. Sản phẩm muốn bán được phải có thương hiệu, xuất xứ, quy cách sx, thế giới mới chấp nhận để vừa cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường quốc tế và cạnh tranh với các sản phẩm đó trên thị trường trong nước, nhất là tiến trình hội nhập rất là mạnh mẽ trong thời gian sắp tới.
Hiện nay để doanh nghiệp vào nông thôn, nông nghiệp, theo Thống đốc, cần phải có tư liệu sản xuất lớn. Nhưng “ruộng đất phân cho các hộ nông dân rồi, giờ để doanh nghiệp loay hoay tích tụ ruộng đất thì rất mất thời gian lại chưa được pháp luật bảo vệ đầy đủ, nếu có vấn đề gì thì có khi lại tay trắng”.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng đánh giá: thời gian qua, có nhiều mô hình tích tụ ruộng đất thành công, cần nhân rộng ra và thể chế hóa. Dẫn ví dụ về doanh nghiệp TH True Milk có hàng nghìn ha của nông dân, ông Bình đặt vấn đề: Tại sao họ lại tích tụ được, hình thức nào giữa nông dân - chủ đất và doanh nghiệp, đó là bài học nhân rộng và thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm.
Không thể nói phải sản xuất thế này, thế kia
Thống đốc đặc biệt nhấn mạnh, “trong kinh tế thị trường, không có mô hình nào cho tất cả các đối tượng, chúng ta phải có rất nhiều các mô hình để phù hợp với từng địa phương, từng loại mặt hàng sản xuất”. Hơn nữa, dẫn văn kiện Đại hội Đảng, Thống đốc lưu ý, “có một câu đỉnh cao kinh tế thị trường, đó là hãy để cho thị trường quyết định phân bổ các nguồn lực của xã hội”. Vậy làm sao được thế, ai là người phân bổ, ai đứng ra phân bổ cho hiệu quả? “Việc chúng ta đang làm góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng”- ông Bình khẳng định.
Chứng minh cho khẳng định đó, Thống đốc kể: Thông qua liên kết chuỗi, hộ nông dân nuôi cá được vay không cần tài sản thế chấp, đến 90% là vay không có tài sản thế chấp. Riêng ngân hàng lúc nào cũng sẵn sàng cho vay nếu như tiền vay đó được sử dụng một cách hiệu quả. Bởi một số doanh nghiệp cá tra trước đây làm ăn thất bát ngoài nguyên nhân khách quan từ thị trường còn có nguyên nhân sử dụng vốn vay sai mục đích, vay nuôi cá tra nhưng lại dùng vào thị trường BĐS, dẫn đến không có tiền trả cho dân.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Bình lấy ví dụ: có 1 công ty nông nghiệp, muốn bán hàng ra thị trường quốc tế thì hàng phải có chất lượng. Cơ quan quản lý nhà nước, NHNN và các cơ quan liên quan cần phải hướng dẫn cho HTX, nông dân. Bỏ tiền mà không hướng dẫn kiểm soát thì sản phẩm không đạt chất lượng, không bán được.
Do đó, theo Thống đốc, “cái cuối cùng không phải mệnh lệnh hành chính. Không thể nói phải sản xuất thế này, thế kia, mà còn là vấn đề lợi ích, gắn kết chặt chẽ các khâu, điều đó giúp Đảng ta chuyển hóa văn kiện vào cuộc sống, khi đó mới thật sự là nền kinh tế thị trường. Cho nên, cơ chế chính sách phải nghiên cứu thật kỹ để có tính ổn định, định hướng và tuổi thọ bền vững. Nhưng không phải vì thế mà trót ra văn bản, sai mà không sửa. Trong quá trình triển khai lắng nghe đúc kết chỗ nào tốt, cần làm tốt hơn, chỗ nào cần chỉnh sửa./.
Theo Xuân Thân/VOV.VN