Cập nhật: 25/03/2016 09:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bệnh Lao là nguyên nhân chủ yếu làm nghèo đói dai dẳng và là trở ngại đối với phát triển kinh tế. Đó là vòng xoắn phải tháo gỡ.

Bệnh viện Phổi Trung ương vừa khai trương Khoa Khám bệnh đa khoa theo yêu cầu hôm 20/3.

Theo báo cáo từ chương trình chống lao Quốc gia, trên thế giới, ước tính có khoảng 1/3 dân số đã nhiễm Lao. Hàng năm, có thêm 9 triệu người mới mắc lao, 13% trong số mắc Lao có đồng nhiễm HIV và 1,3 triệu người tử vong do Lao, trong đó có khoảng 510.000 phụ nữ chết do Lao.

Việt Nam nước có gánh nặng bệnh Lao kháng thuốc cao nhất

Lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp ở hầu hết các quốc gia và được coi là vấn đề an ninh y tế toàn cầu. Ước tính có đến 500.000 ca lao đa kháng thuốc và lao siêu kháng thuốc.

Xu hướng bệnh lao trên thế giới đang có xu hướng giảm nhưng quá chậm, mới chỉ giảm khoảng 2%/năm, chưa đạt yêu cầu. Trong khi đã có tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đưa ra chiến lượng kết thúc bệnh lao đến năm 2035, đòi hỏi sự chung tay rất lớn của hệ thống chính trị các quốc gia và cộng đồng thế giới mới có thể thành công.

Tại Việt Nam, mặc dù đã có nhiều thành tựu trong kiểm soát bệnh lao trong thời gian quan, Việt Nam vẫn đang là nước đứng hàng thứ 14 trong 20 nước có số bệnh nhân Lao cao nhất thế giới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm Việt Nam có thêm 130.000 người mới mắc lao, trong đó có 7.000 người mắc lao đồng nhiễm HIV, và có đến 17.000 người chết vì bệnh lao. Hiện nay, cả nước phát hiện và điều trị cho hơn 100.000 bệnh nhân lao với kết quả khỏi trên 90%.

Như vậy, Việt Nam mới phát hiện được 77% so với ước tính còn đến gần 30.000 bệnh nhân lao chưa được phát hiện trong cộng đồng tiếp tục là nguồn lây và nguy cơ tử vong cao. Vấn đề lao kháng thuốc cũng rất nghiêm trọng, Việt Nam đứng thứ 11 trong 20 nước có gánh nặng bệnh Lao kháng thuốc cao nhất. Hàng năm ước tính có thêm 5.100 bệnh nhân Lao đa kháng thuốc, trong đó gần 6% là Lao siêu kháng thuốc.

Bệnh Lao nỗi lo và gánh nặng của toàn xã hội

Theo các chuyên gia y tế, bệnh Lao đang là nỗi lo và gánh nặng của toàn xã hội bởi nó đã tác động mạnh tới 70% đối tượng lao động chính, nguồn sản sinh ra của cải vật chất cho xã hội, làm cho lực lượng sản xuất bị giảm sút, năng suất lao động giảm.

Bệnh Lao là nguyên nhân chủ yếu làm nghèo đói dai dẳng và là trở ngại đối với phát triển kinh tế, đồng thời đói nghèo cũng là điều kiện thuận lợi dẫn đến người dân mắc bệnh lao, đó là vòng xoắn phải tháo gỡ.

Các nghiên cứu về kinh tế y tế cho thấy, mỗi bệnh nhân lao sẽ mất trung bình 3-4 tháng lao động, làm giảm 20-30% thu nhập bình quân của gia đình. Những gia đình có người chết sớm vì bệnh lao có thể sẽ mất tới 15 năm thu nhập, ảnh hướng tới thu nhập quốc dân và chỉ số phát triển con người của các quốc gia.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, công tác phòng, chống bệnh lao là một nhiệm vụ quan trọng lâu dài của cả hệ thống chính trị trong đó có ngành y tế là nòng cốt. Việt Nam như một điểm sáng về công tác phòng chống Lao và sẽ là mô hình điểm cho thực hiện chiến lược mới kết thúc bệnh lao của WHO.

Việt Nam là một trong 9 quốc gia có gành nặng bệnh lao cao đã đạt được mục tiêu thiên niên kỷ năm 2015, cắt giảm được 50% số mắc Lao, 50% số chết do Lao so với năm 2000.

Chương trình chống lao Quốc gia đã cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh hàng năm cho hơn 100.000 người bệnh, tránh được cho hàng nhiều chụ ngàn người không bị chết vì bệnh lao. Đã phát hiện và điều trị thường quy lao đa kháng thuốc và kể cả lao siêu kháng thuốc với công nghệ mới và phác đò thuốc mới. Chương trình bao phủ toàn bộ 100% xã phường thôn bản, tạo điều kiện tiếp cận tốt nhất cho người dân.

Chính phủ và Bộ Y tế cấp ngân sách tăng lên hàng năm và qua đó vận động được hỗ trợ quốc tế từ Quỹ toàn cầu với gần 60 triệu USD và công thêm 20 triệu do ngân sách khuyến khích vì thực hiện có hiệu quả nguồn viện trợ. Trong 3 năm 2015-2017 được phê duyệt là 42 triệu USD. Nguồn nhân lực ngày càng phát triển từ tuyến trung ương đến địa phương, với kế hoạch đột phá về đào tạo, phối hợp viện trường hội chuyên ngành và có 4 chuyên gia tham gia các hội đồng của WHO các cấp.

Giảm 30% số người mắc và 40% số người chết vì bệnh Lao

Nói về mục tiêu đến năm 2020, BS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh: Giảm 30% số người mắc và 40% số người chết vì bệnh Lao trong cộng đồng. Nếu làm được như vậy đã cứu sống nhiều chục ngàn người không bị chết vì bệnh lao và chắc chắn sẽ là niềm hạnh phúc cho hàng trăm ngàn gia đình và tăng của cải vật chất cho xã hội

"Tầm nhìn đến năm 2030, tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người trên 100.000 người dân, tức là chỉ còn dưới 20 000 người mắc lao hàng năm, đó là một kỳ tích mong đợi. Hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh Lao"- BS Nhung cho biết./.

Theo Thu Thủy/VOV.VN

Tệp đính kèm