Đầm Vạc nằm trong hệ thống sông Hồng, nước hồ được lưu thông bởi hệ thống sông ngòi của Vĩnh Phúc.
Trong quần thể các đầm, hồ có giá trị cảnh quan du lịch của Vĩnh Phúc thì Đầm vạc có một vị trí trang trọng. Đầm Vạc nằm ở giữa trung tâm Thành phố Vĩnh Yên, có 23 nhánh chính tạo ra những hồ, lạch nhỏ có chu vi 14km2. Chiều rộng trung bình 1km, diện tích mặt nước rộng gần 500ha, đáy sâu nhất 4,5m, trung bình 3,8m. Vùng này xưa kia được rừng thiên nhiên bao bọc, lắm chim nhiều cá, để những đàn cò, vạc, bồ nông, mòng, két, le le về kiếm ăn. Nhưng nổi tiếng hơn cả ở Đầm Vạc là tép Dầu, một món ăn thông dụng được nhiều người yêu thích. Tép Dầu Đầm Vạc nổi tiếng đến mức từ đời trước truyền cho đời sau câu ca:
“Cỗ chín lợn mười trâu
Cũng không bằng tép Dầu Đầm Vạc”
Tép Dầu Đầm Vạc phần nhiều chỉ bằng cái lá tre, kích cỡ chiều dài của nó từ 5-7cm, chiều ngang chừng 1cm. Tép Dầu là loại cá không cần đầu tư nuôi thả cầu kỳ. Tép Dầu khi trưởng thành bụng đầy ắp trứng. Từ tháng 8 đến hết tháng 10, khi sương chiều như làn khói xanh lam mờ toả trên mặt hồ, tép Dầu làm một cuộc hành trình quanh hồ đề đẻ trứng nhân giống cho tương lai thì người ta đi bắt chúng. Nhưng tép Dầu không thể tiệt chủng vì hàng triệu trứng trong bụng sẽ kế tiếp vòng đời của chúng. Và con tép Dầu có trứng mới là lúc ăn ngon nhất.
Trước đây, nhiều người quanh vùng thường sinh sống bằng nghề bắt loại cá này. Mỗi người phải có một chiếc thuyền nhuyễn gỗ hay thuyền thúng đan bằng tre, một cái rổ đường kính độ 80 - 90cm, sâu 35 - 40cm, có một cáng tre trên miệng rổ để nhấc lên hạ xuống cho dễ, một thanh tre đực bổ tư dài 40 - 45cm và các con mồi như ếch, nhái, lươn, ốc... miễn là có chất tanh dễ khuyếch tán trong nước. Ngoài ra, còn phải có kinh nghiệm sông nước để biết chỗ nào trong đầm có nhiều tép Dầu. Người bắt tép Dầu ngồi trên sạp thuyền dùng thanh tre đực giập mồi nát trên mạn thuyền rồi bỏ vào rổ; hai tay thả rổ xuống nước sao cho cạp rổ chìm độ 10 cm, một tay giữ rổ, một tay khoắng mồi trong rổ cho tép ngửi thấy mùi thức ăn bơi tới, có khi cả đàn đến rất đông giằng cắn mồi. Lừa lúc tép ham ăn, người bắt nhanh tay, nhẹ nhàng nhấc rổ lên khỏi mặt nước hất tép trong rổ vào thuyền. Động tác hớt tép cứ làm liên tục như thế cho đến khi hết buổi.
Cách chế biến tép dầu đơn giản. Thường có hai cách là kho và nấu canh. Trước khi kho hay nấu đều phải bóp bụng cá cho ra hết ruột rồi lấy nước muối pha loãng hòa nước nóng ấm rửa sạch sẽ. Tép Dầu thường nấu canh với dưa cải chua, dưa rau cỏ chua đồng Cốc hoặc mẻ. Đem kho cứng thì ngon hơn. Có thể kho với các loại rau quả tuỳ khả năng và sở thích của từng nhà, như dưa cải, cà bát muối, trám đen, dọc khoai sọ tươi hoặc đã phơi khô; nhất thiết phải kho bằng tương; nồi kho còn lót lá gừng tươi hoặc dăm lát gừng; tất cả đun nhỏ lửa đến cạn khô. Kho cách này, ăn vừa béo vừa bùi, vừa thơm, giữ được vị đậm, vị ngọt của loài tép này.
Hiện nay, tép Dầu Đầm Vạc vẫn xuất hiện trong các bữa ăn của nhiều gia đình, và là món ăn khoái khẩu được rất nhiều vị khách ở các nhà hàng sang trọng lựa chọn. Tép Dầu Đầm Vạc đã trở thành một đặc sản góp phần tạo nên thương hiệu cho điểm du lịch Vĩnh Yên và là món “ăn một lần có thể nhớ mãi”.
ST