Một số ý kiến cho rằng, mặt bằng lãi suất USD hiện khá hấp dẫn cho Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế.
Tổng lượng TPCP đáo hạn trong năm nay gần trùng khít với tổng giá trị
TPCP mà Kho bạc Nhà nước có kế hoạch huy động là 220.000 tỷ đồng
Trong khi Bộ Tài chính cho rằng, thị trường tài chính thế giới hiện chưa thuận lợi cho Việt Nam phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế như hạn mức đã được Quốc hội cho phép, thì một số ý kiến đang có quan điểm ngược lại.
Phát hành để đảo nợ
Hiện mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ có tín hiệu tăng đang gây áp lực làm tăng chi phí đối với nhà phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) là Kho bạc Nhà nước, vì có thể sẽ phải tăng lãi suất trái phiếu.
Tuy nhiên, đó chỉ là một khía cạnh. Ở góc nhìn khác, theo một chuyên gia trong lĩnh vực trái phiếu, ngay cả khi từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ tăng thêm, thì khả năng nhà phát hành TPCP phải tăng lãi suất là không nhiều; nếu có tăng thì mức tăng cũng không đáng kể so với hiện tại. Điều này có mối liên quan sâu xa với hạn mức phát hành TPCP trong năm nay.
Tổng lượng TPCP đáo hạn trong năm nay gần trùng khít với tổng giá trị TPCP mà Kho bạc Nhà nước có kế hoạch huy động là 220.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, lượng TPCP phát hành trong năm nay chỉ là để đảo nợ, nhằm kéo dài thời gian trả nợ cho ngân sách nhà nước, chứ không phát sinh dòng tiền mới.
Không phải là do ngân sách không muốn tăng lượng vốn huy động qua kênh TPCP, chí ít tương đương như mức năm ngoái là 250.000 tỷ đồng, mà vấn đề nằm ở chỗ đứng trước áp lực nợ công tăng nhanh và chạm vào ngưỡng cảnh báo đang làm “nóng” diễn đàn Quốc hội, việc tăng lượng vốn huy động qua kênh TPCP gặp nhiều cái khó.
Vì tính chất phát hành 220.000 tỷ đồng TPCP chủ yếu là nhằm đảo nợ như trên, nên ngay cả khi mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ có tăng cũng không dễ tạo áp lực làm tăng đáng kể lãi suất huy động TPCP, bởi cả chủ nợ và NĐT đều có những lý do nhượng bộ nhau vì lợi ích của cả hai phía. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ rẽ sang một hướng khác, nếu lượng phát hành TPCP năm nay không phải là 220.000 tỷ đồng, mà là 250.000 - 300.000 tỷ đồng.
Nếu lượng TPCP phát hành tăng thêm tạo ra sự chênh lệch đáng kể so với tổng lượng TPCP đáo hạn trong năm nay, áp lực tăng lãi suất huy động TPCP mới rõ nét. Vì khi đó, các NĐT chủ lực trên thị trường TPCP là các ngân hàng thương mại (hiện cơ cấu tài sản gần như không cho phép đầu tư thêm vào TPCP) sẽ dựa vào thế cầu ít, cung nhiều để gây áp lực tăng lãi suất lên nhà phát hành.
Thông lệ các năm cho thấy, khả năng nhà phát hành vượt quá lượng TPCP công bố trong năm ít có khả năng xảy ra. Nghĩa là, khi nhà phát hành không tăng cung, thì mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tương đối ổn định từ nay đến cuối năm.
Nên phát hành TPCP quốc tế lúc này
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, việc triển khai phát hành 3 tỷ USD TPCP ra thị trường quốc tế hiện chưa chốt thời điểm cụ thể, vì bối cảnh thị trường chưa thuận lợi, làm tăng chi phí phát hành.
Tuy nhiên, một số ý kiến có cái nhìn ngược lại khi cho rằng, mặt bằng lãi suất USD hiện khá hấp dẫn cho Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế. Theo đó, tuy lãi suất có tăng, nhưng lãi suất vay USD kỳ hạn 2 năm khoảng 0,87%/năm, còn kỳ hạn 10 năm khoảng 1,87%/năm. Điều này đặt trong bối cảnh ngân hàng trung ương một số nước duy trì mặt bằng lãi suất âm, đang hỗ trợ tích cực cho Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế với chi phí hợp lý.
Vấn đề này cần đặt lên bàn cân với một bên là khả năng tăng lượng vốn huy động từ thị trường trong nước đang gặp khó do sức cầu hạn chế, áp lực tăng lãi suất, để từ đó tìm ra lời giải tối ưu cho bài toán nên phát hành TPCP trong nước hay quốc tế.
Có ý kiến cho rằng, việc nhà quản lý chưa triển khai phát hành TPCP ra thị trường quốc tế có thể liên quan đến sự chuyển giao nhiệm kỳ Chính phủ mới, cùng với đó là định hướng chính sách mới, hơn là do bối cảnh quốc tế chưa thuận. Nhưng dù gì đi nữa, trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và chạm vào ngưỡng tối đa cho phép, nhiệm kỳ Quốc hội và Chính phủ mới sẽ phải “chặt tay” hơn trong phát hành các công cụ nợ, nhất là phát hành TPCP ra thị trường quốc tế, ngay cả khi chi phí huy động khá hấp dẫn, nếu bài toàn hiệu quả trong sử dụng vốn chưa được cải thiện mạnh./.
Theo VOV.VN