Khi liên kết vùng không đúng với nguyên lý sẽ khó trở thành công cụ quản lý nhà nước thích hợp tạo ra sự kết dính lãnh thổ giữa các tỉnh trong vùng.
Nhiều nhận định cho rằng nền kinh tế đang bị chia cắt bởi địa giới hành chính, mỗi tỉnh là một "nền kinh tế". (Ảnh minh họa: KT)
Kinh tế vùng và liên kết vùng là vấn đề được Đảng, Nhà nước chuẩn bị rất sớm từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, tuy nhiên đến nay hoạt động liên kết vùng, vẫn còn thiếu thể chế, cơ chế quản lý điều phối, thiếu các chính sách đặc trưng cho từng vùng.
Tại các địa phương, trong các nghị quyết hầu như chưa đề cập vấn đề liên kết, nên có rất ít các liên kết đúng với các nguyên lý liên kết vùng. Vì vậy, liên kết chưa thật sự trở thành một chủ trương có tính nguyên tắc trong tổ chức không gian phát triển của địa phương, dẫn đến thiếu sự phối hợp giữa các địa phương, giữa trung ương và địa phương trong việc hình thành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư.
Hiện nay, Nhà nước đã phân cấp nhiều quyền hạn quản lý kinh tế cho cấp tỉnh, nhờ đó các tỉnh đã chủ động hơn trong hoạch định các chương trình phát triển kinh tế của địa phương. Thế nhưng, việc phân cấp này lại làm cho trách nhiệm phối hợp, giám sát của Chính phủ trở nên nặng nề hơn, chẳng hạn như đối với yêu cầu của tỉnh ven biển muốn có cảng nước sâu và sân bay, hay tỉnh miền núi nào cũng muốn mở khu công nghiệp…
Bằng chứng rõ ràng là việc chạy đua quyết liệt trong việc xây dựng những dự án các loại trên địa bàn các tỉnh mà từ lâu, trên các phương tiện thông tin đại chúng, và các diễn đàn chính thức, được xem như những “phong trào”, “hội chứng” về nhà máy rượu bia, xi măng, thủy điện, cảng biển, sân bay, khai thác khoáng sản, khu đô thị,… tạo thành nhiều “nền kinh tế” trong một nền kinh tế quốc gia.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – ông Vương Đình Huệ nhận định: Các yếu tố về địa lý, yếu tố văn hóa, lợi ích.. mọi sự liên kết mà không có lợi ích thì chỉ nằm trên giấy và lý thuyết. Động lực về lợi ích trong liên kết vùng như thế nào để khắc phục tình trạng mà nhiều chuyên gia đã nói nền kinh tế Việt Nam nhưng trong 63 tỉnh thành thì có 63 nền kinh tế, đặc biệt là tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính như hiện nay.
Đặc biệt, gần đây xuất hiện hiện tượng các tỉnh, thành gia tăng hoạt động xúc tiến đầu tư một cách riêng rẽ, tuy thể hiện được tinh thần năng động, tích cực, nhưng ở góc độ của các nhà đầu tư thì lại thấy một đối tác thiếu tính tổ chức và thống nhất về đường hướng, chính sách và thông tin.
Trong khi đó, các liên kết mang tính lâu dài, chiến lược hơn như phát triển mạng lưới khu công nghiệp, mạng lưới giao thông, thu hút và quản lý đầu tư nói chung, đặc biệt là đầu tư FDI, giải quyết vấn đề ô nhiễm... vẫn chưa được chú trọng.
Để liên kết vùng thực sự phát huy hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam, ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Trưởng Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung cho rằng, các Bộ, ngành cần quan tâm đến các dự án trọng điểm của vùng, đầu tư kết cấu hạ tầng; đồng thời cần hoàn thiện hệ thống giao thông của vùng; giải quyết bài toán xung đột lợi ích về tài chính cho vùng. Cần gắn với việc phân cấp, phân quyền, phân định trách nhiệm của trung ương, địa phương. Sớm xây dựng thể chế liên kết vùng theo hướng xác định vai trò đầu tầu và phân công cụ thể, trách nhiệm của từng địa phương:
“Kiến nghị Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thực hiện thể chế hóa cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, như một mô hình thể chế điều phối vùng tự nguyện và có tính pháp lý. Trên cơ sở đó, Chính phủ Quyết định công nhận về chức năng nhiệm vụ thẩm quyền của Ban điều phối vùng và chính sách đặc thù cho quy chế vùng trọng tâm vào ba nhóm kinh tế chính là ngư nghiệp đánh bắt chế biến hải sản, du lịch biển đảo gắn với du lịch văn hóa lịch sử và phát triển khu kinh tế ven biển gắn với kinh tế cảng biển với lộ trình triển khai cụ thể từ này đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030”, ông Quang kiến nghị.
Nhiều chuyên gia cho rằng, điều phối vùng đủ mạnh sẽ mang tiềm năng to lớn trong việc giải quyết các vấn đề nằm ngoài tầm ảnh hưởng của các địa phương; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điều phối vùng cũng mang lại lợi ích việc phát triển kinh tế vùng gắn với bảo vệ môi trường, do đó cần coi quá trình liên kết vùng như một cơ hội, cho các tỉnh và vùng cùng nhau phối hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam – ông Georg Christian Berger nhấn mạnh: Một điều kiện tiên quyết đối với phát triển kinh tế trong dài hạn của Việt Nam là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh. Phát triển kinh tế sẽ hiệu quả hơn khi nhà nước và tư nhân cùng chung tay thực hiện. Các hiệp hội doanh nghiệp vùng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính quyền, có thể sẽ là yếu tố chính thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
“Một ví dụ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ở Đức đó là Vùng Ruhr thuộc Tây Đức. Khu vực này từng là trung tâm kinh tế công nghiệp nặng của Đức trong những năm sau chiến tranh, tuy nhiên khi các mỏ và xưởng luyện thép đóng cửa, vùng phải khôi phục lại nền kinh tế của mình. Để có được vị thế kinh tế mới, vùng đã quyết định chuyển đổi nền kinh tế sang các ngành công nghiệp tri thức hơn, như khoa học, truyền thông và công nghệ. Để đạt được mục tiêu này, 15 chính quyền địa phương đã thiết lập một tổ chức vùng chung có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Ngày nay tổ chức này chịu trách nhiệm quy hoạch vùng, phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với sự phối hợp chặt chẽ từ khối tư nhân”, Đại sứ Georg Christian Berger dẫn chứng.
Dưới góc độ tài chính, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam khuyến nghị: Việt Nam cần phải điều phối tốt hơn trong mối liên hệ giữa các địa phương trong vùng, huy động tốt các bên liên quan để có biện pháp tối ưu cho các địa phương. Để làm được điều này, Việt Nam cần có các khoản đầu tư để tối ưu hóa mục tiêu, hạn chế sự phân tách nhỏ lẻ giữa các tỉnh sẽ làm suy yếu liên kết vùng, và cần có các sắp xếp về phân quyền trong liên kết vùng.
“Sự tăng trưởng của Việt Nam trong những thập kỷ vừa qua đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Vì vậy, việc điều phối vùng mạnh mẽ hơn để tối ưu hoá được các tiềm năng to lớn của Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách. Việt Nam cần xây dựng cơ chế, thể chế phù hợp, tăng cường điều phối vùng theo chiều dọc và chiều ngang. Một số cơ quan được giao về điều phối cần cố gắng nhiều hơn nữa, tăng nhiệm vụ của cơ quan vùng, làm rõ hơn nữa mục tiêu, mục đích, đo lường được hiệu quả hoạt động của điều phối”, bà Victoria Kwakwa chỉ rõ.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong bối cảnh các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội; các chức năng từng vùng chưa gắn kết chặt chẽ với nhau, khiến nguồn lực bị lãng phí, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội không cao… thì quy hoạch vùng là công cụ quản lý nhà nước thích hợp để tạo sự kết dính lãnh thổ các tỉnh trong vùng.
Điều này cho phép vùng khai thác hợp lý các tài nguyên, nâng cao năng lực cạnh tranh trong toàn cầu hóa, ứng phó tốt hơn với thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu, hạn chế các biểu hiện cục bộ địa phương làm giảm hiệu quả phát triển./.
Theo Văn Hiếu/VOV.VN