Cập nhật: 12/04/2016 09:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đại biểu Võ Thị Dung: “Đề nghị Chính phủ cần mạnh dạn giao cho một số địa phương thực hiện chủ động trong tinh giản biên chế”.

Thực hiện đề án tinh giản biên chế rất khó khăn (Ảnh minh họa)

Tại nghị trường Quốc hội, chuyện tinh giản biên chế chưa bao giờ hết “nóng”, bởi lộ trình đã vạch ra nhưng việc thực thi hầu như vẫn bất động. Không những thế, bộ máy luôn phình ra, hầu như những luật đã ban hành đều đẻ ra thêm bộ máy. Như năm nay, nếu triển khai Luật tổ chức chính quyền địa phương, chắc chắn sẽ tăng biên chế.

Không giảm được mà còn phình ra

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Với cơ chế, thể chế hiện nay chằng chịt nhiều mối quan hệ. Ví dụ, tại sao nói bộ máy nhà nước và biên chế, kể cả các tổ chức đoàn thể hoạt động bằng ngân sách nhà nước không giảm mà phình ra? Theo ước tính, chi lương hết gần 400.000 tỷ đồng/năm, chi đủ hết gần 1 triệu tỷ, bằng ngân sách thu một năm của đất nước, hết rồi thì lấy đâu ra chi cho đầu tư phát triển. Luật tổ chức chính quyền địa phương, ước tính tăng thêm 22.000 biên chế hoạt động ở hội đồng nhân dân các cấp. Thế thì mục tiêu giảm biên chế của ta không thể đạt được”.

Đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân không giảm được là trong tổ chức thực hiện theo báo cáo hàng năm của các cơ quan, Bộ ngành, địa phương chỉ có 1% là cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, trong khi dư luận râm ran 1/3 cán bộ không làm được việc, "sáng cắp ô đi tối cắp ô về".

Ông Vũ Công Tiến (đoàn Lâm Đồng) thừa nhận, bộ máy hệ thống chính trị của ta quá cồng kềnh, hằng năm ngốn hàng triệu tỷ đồng. Từ Trung ương đến địa phương ai cũng thấy điều này, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu. Chúng ta làm điểm chỗ này, chỗ kia, địa phương này, địa phương kia, tốn kém ngân sách nhưng vẫn về như cũ.

Đại biểu đồng tình và tâm đắc với giải pháp của tỉnh Quảng Ninh đang có lộ trình nhất thể hóa, nhập một số tổ chức Đảng với Nhà nước để Đảng “hóa thân” làm nhiệm vụ, nhằm tinh giảm biên chế và giải quyết chế độ chính sách phù hợp cho số dôi dư.

Nhiều đại biểu khẳng định, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chồng chéo, tinh giản biên chế chưa đạt hiệu quả yêu cầu... Đây là một trong những nguyên nhân làm cho việc thực hiện pháp luật, chủ trương, các chỉ thị của Đảng, của Nhà nước kém hiệu quả; gây lãng phí tiền bạc, sức dân, làm nhờn luật và đặc biệt làm cho niềm tin của dân giảm sút.

Tinh giản biên chế bằng cách nào?

“Trong tinh giản biên chế, cần kiên quyết loại bỏ những người không làm được việc, nhũng nhiễu hành dân ở tất cả các ngành, các nơi; đề nghị nên quy định trách nhiệm cho đồng chí đứng đầu địa phương, tổ chức” - là đề nghị được nhiều đại biểu nhắc đến.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị một số Bộ, ngành có chức năng gần như nhau thì nên tập trung ghép lại để lãnh đạo điều hành có hiệu quả hơn. Tách quản lý nhà nước ra khỏi quản lý doanh nghiệp trong các Bộ, bởi đây là vấn đề chồng chéo lẫn lộn, làm hiệu quả quản lý nhà nước của các Bộ kém hiệu quả.

“Ví dụ, có một việc cần liên ngành thì ta lại phân nhỏ như vấn đề an toàn thực phẩm; có nhiệm vụ, chức năng các Bộ chồng chéo nhưng lại không kết hợp được làm cho bộ máy phình to. Mà lạ thay ai cũng chỉ thích thành lập cơ sở mới, ngành mới, bộ mới thì làm sao giảm biên chế được?” - đại biểu chia sẻ.

Đại biểu Võ Thị Dung (TP HCM) thừa nhận, thủ tục để thực hiện lộ trình này rất nhiêu khê. Hiện nay có Nghị định 108 về tinh giản biên chế, nhưng các địa phương muốn tinh giản bộ máy phải trình Bộ Nội vụ duyệt.

Theo bà Võ Thị Dung, đây là điều rất phi lý. Vì lộ trình muốn giảm 10% biên chế, chưa nói đến việc chưa giảm đã phình ra, nhưng thủ tục để thực hiện tinh giản biên chế là phức tạp vô cùng. Điều này cần phải phân cấp mạnh để các địa phương chủ động. Hiện tinh giản biên chế ở TP HCM cũng “lúc lắc” vì quy định Đề án giảm biên chế phải Bộ Nội vụ duyệt.

Đại biểu đề nghị: “Đã giảm là phải để địa phương, cơ quan chủ động. Cho nên cần phải tháo gỡ, phân cấp rõ ràng vì đây là nhiệm vụ sống còn của sự phát triển kinh tế - xã hội nữa, chứ không phải chỉ là thủ tục hành chính. Cần phải quyết liệt tinh gọn bộ máy, song tôi đề nghị Chính phủ cần mạnh dạn giao cho một số địa phương, nhất là những đô thị, để thực hiện chủ động trong tinh giảm”. 

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng, vấn đề ở đây là làm sao nâng cao được hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính. Thứ nhất, cần rà soát thể chế trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức, gắn với đó là trách nhiệm, quyền lợi. Cho nên, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức phải đi liền với hiệu quả chứ không phải theo hệ số lương hay thời gian công tác. Đó là việc chúng ta cần phải làm trong thời gian tới.

Thứ hai, phải định biên bộ máy quản lý hành chính tương thích với dân số, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội ở tại khu vực đó. Chúng ta cần có chính sách động viên nhiều hơn nữa. Nếu khu vực đó doanh nghiệp khởi nghiệp nhiều, đầu tư nhiều, mở rộng sản xuất kinh doanh nhiều, thu thuế được nhiều, thì đồng nghĩa bộ máy hành chính đã có những đóng góp nhất định trong đó. Do đó, bộ máy này phải được hưởng những thu nhập tương thích với thành quả đã cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân. Cần trao cho họ tính tự chủ trong vấn đề này.

Bên cạnh đó, ông Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh, cần cải cách về thể cũng như quản lý cán bộ, làm sao để người lãnh đạo ngành, tư lệnh ngành có thể cách chức, sa thải thuộc cấp. Còn vẫn theo lối cũ phải họp hành, lấy ý kiến… có khi sự nể nang, chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến công việc. Đó mới là điều kiện tiên quyết làm cho bộ máy hiệu quả hơn./.

Theo Lại Thìn/VOV.VN

Tệp đính kèm