Với gần một nửa trong số 9 ứng cử viên là phụ nữ, lịch sử của Liên Hợp Quốc nhiều khả năng sẽ bước sang một trang mới với một nữ Tổng Thư ký.
Phiên chất vấn ứng viên của Liên Hợp Quốc.
Cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thay ông Ban Ki-moon sẽ mãn nhiệm vào cuối năm nay đã chính thức khởi động với phiên chất vấn các ứng cử viên kéo dài 3 ngày cho đến 15/4 (theo giờ Việt Nam) tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York.
Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 70 năm thành lập của Liên Hợp Quốc, các ứng cử viên cho vị trí Tổng Thư ký phải chứng tỏ năng lực bản thân qua các phiên chất vấn công khai được mô tả là cuộc “phỏng vấn xin việc” trực tiếp trước toàn thế giới, thay vì quy trình lựa chọn kín do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thực hiện như trước đây.
Được thông qua trong một nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm ngoái, đây là bước tiến nhằm tăng cường tính minh bạch, đảm bảo sự công bằng cho tất cả các quốc gia trong khả năng tạo ảnh hưởng đối với quá trình tuyển chọn ứng cử viên.
Dù quyền lựa chọn ứng cử viên Tổng Thư ký cuối cùng vẫn thuộc về Hội đồng Bảo an khi Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định rằng, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ bầu chọn chức danh này dựa trên đề cử của Hội đồng Bảo an, các phiên chất vấn kể trên vẫn sẽ có tác động đáng kể đối với quyết định của Hội đồng Bảo an.
Giới phân tích cho rằng Hội đồng Bảo an, đặc biệt là 5 nước thành viên nắm quyền phủ quyết trong đó có Nga và Mỹ sẽ khó có thể lựa chọn một ứng cử viên không nhận được nhiều sự ủng hộ của công chúng thông qua các phiên chất vấn.
Ngay cả Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cũng khẳng định rằng Tổng Thư ký mới cần là người nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất của các nước thành viên. Mỹ từng bị chỉ trích rất mạnh khi dùng quyền phủ quyết buộc Tổng Thư ký Boutros Boutros-Ghali phải rời nhiệm sở chỉ sau một nhiệm kỳ và được thay thế bằng ông Kofi Annan vào năm 1997.
Ngoài các tiêu chí về năng lực và kinh nghiệm cá nhân, quá trình lựa chọn ứng cử viên năm nay còn bao gồm 2 tiêu chí rất quan trọng, dù không phải chính thức, đó là giới và vị trí địa lý.
Thứ nhất, hiện gần 60 quốc gia đứng đầu là Colombia đã lên tiếng ủng hộ một nữ Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đầu tiên kể từ năm 1945 đến nay. Thứ hai, theo luật “bất thành văn” về sự luân phiên giữa các khu vực, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kế tiếp sẽ là một người thuộc khu vực Đông Âu.
Theo giới phân tích, 2 ứng cử viên triển vọng nhất hiện nay là Tổng Giám đốc đương nhiệm của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), cựu quyền Ngoại trưởng Bulgaria Irina Bokova, và người đứng đầu Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark.
Cả hai ứng cử viên này đều có nhiều kinh nghiệm về chính trị và ngoại giao cũng như tầm ảnh hưởng lớn trong các hoạt động của Liên Hợp Quốc nhưng bà Bokova dường như đang nắm lợi thế nhờ là người Đông Âu và đang được Nga ủng hộ mạnh mẽ.
Ngoài hai ứng cử viên Irina Bokova và Helen Clark, các ứng cử viên còn lại bao gồm Natalia Gherman (cựu Phó Thủ tướng Moldova), Vesna Pusic (cựu Phó Thủ tướng Croatia), Antonio Guterres (cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha và cựu cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn), Srgjan Kerim (cựu Ngoại trưởng Macedonia và cựu Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc), Danilo Turk (cựu Tổng thống Slovenia) và Igor Luksic (Ngoại trưởng đương nhiệm Montenegro).
Hội đồng Bảo an sẽ bắt đầu xem xét lựa chọn ứng cử viên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc vào tháng 7 tới và đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 9 trước khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu chọn vào tháng 10./.
Theo Nhật Quỳnh - Vũ Hợp/VOV.VN - Washington