Cập nhật: 22/04/2016 09:08:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hen là một hiểm họa của loài người, là một trong các bệnh mạn tính hay gặp nhất. Hiện nay trên thế giới có khoảng 300 triệu người bị hen, dự tính đến năm 2025 con số này tăng lên 400 triệu người. Bệnh hen không chừa một lứa tuổi nào, nhiều người lần đầu bị hen khi tuổi còn rất nhỏ, bệnh giảm dần khi lớn lên, nhưng có thể tái phát khi về già. Đôi khi người ta cũng có thể bị hen lần đầu tiên khi tuổi đã cao.

Người cao tuổi thường gặp khó khăn khi sử

 dụng thuốc dạng hít và thiết bị máy móc.

Các yếu tố khởi phát

Nhiễm khuẩn hô hấp do siêu vi, cảm cúm, các kháng nguyên gây dị ứng, bụi, khói là những yếu tố kích phát thường gặp. Trầm cảm, lo âu là yếu tố kích phát thường gặp ở người cao tuổi. Một số loại thuốc thường dùng để chữa bệnh mạn tính ở người cao tuổi có thể gây kích phát cơn hen hoặc làm triệu chứng hen nặng thêm: aspirin và các thuốc kháng viêm điều trị viêm khớp, giảm đau. Thuốc ức chế beta điều trị tăng huyết áp và bệnh tim hoặc thuốc nhỏ mắt có chứa chất ức chế beta điều trị glaucome...

Những bệnh dễ nhầm với hen

Bệnh hen là bệnh hay gặp ở bệnh nhân cao tuổi. Tuy nhiên, bệnh hay bị bỏ sót vì ở người cao tuổi đôi khi khó nhận biết thực sự đây là bệnh hen hay là bệnh tim hoặc bệnh phổi khác. Người hút thuốc lá thường bị viêm phế quản và khí phế thũng cũng có triệu chứng như hen. Bệnh tim cũng gây ra triệu chứng ở đường hô hấp. Các triệu chứng thông thường của hen như: ho, khò khè, khó thở, nặng ngực có thể bị nhận định sai và cho là do những bệnh khác thường gặp ở tuổi già. Người cao tuổi cũng không nhạy bén trong việc nhận định các triệu chứng hen, họ cho đó chỉ là triệu chứng thông thường của tuổi già và phớt lờ đi. Do tuổi già, trí óc không còn minh mẫn, diễn tả các triệu chứng không chính xác cũng làm cho các bác sĩ chẩn đoán sai. Những bệnh có thể lầm với bệnh hen là: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn, khí phế thũng, viêm mũi, xoang, lao phổi, trào ngược dạ dày, bệnh tim (suy tim sung huyết).

Triệu chứng của hen phế quản

Cơn hen phế quản là triệu chứng chính của bệnh hen. Triệu chứng báo trước thường là hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt hoặc đỏ mắt, ho khan vài tiếng, có khi buồn ngủ. Ở giai đoạn đầu, khó thở chậm, khó thở ra, có tiếng cò cử mà người ngoài cũng nghe thấy. Khó thở tăng dần, phải tỳ tay vào thành giường để thở, mệt nhọc, toát mồ hôi, tiếng nói bị ngắt quãng. Cơn khó thở kéo dài 10-15 phút, có khi hàng giờ hoặc liên miên cả ngày không dứt. Cơn khó thở giảm dần và kết thúc là một trận ho và khạc đờm, đờm có màu trong quánh và dính, càng khạc được nhiều càng dễ chịu. Hết cơn bệnh nhân nằm ngủ được. Cơn hen thường xảy ra về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết hoặc khi tiếp xúc với các yếu tố gây kích phát cơn hen.

Hậu quả khi bệnh hen không được kiểm soát tốt

Cơn hen kịch phát xảy ra: bệnh nhân khó thở dữ dội, có khi ngừng thở. Cảm giác được mô tả như tình trạng chết đuối trên cạn nguy hiểm đến tính mạng, thường phải đi cấp cứu, thậm chí có trường hợp tử vong trên đường. Hen chuyển thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khả năng chữa trị khó khăn hơn vì chức năng phổi không hồi phục hoàn toàn. Vì vậy dẫn đến suy hô hấp mạn tính gây suy tim (tâm phế mạn). Chất lượng sống giảm: do thường xuyên có triệu chứng, nhập viện cấp cứu... Kinh tế gia đình bị ảnh hưởng do các chi phí khám chữa bệnh.

Những lưu ý khi điều trị hen ở người cao tuổi

Điều trị triệu chứng tắc nghẽn và viêm đường hô hấp bằng các thuốc giãn phế quản và kháng viêm hiệu quả trong cắt cơn hen cấp. Các thuốc hay dùng như thuốc giãn phế quản: salbutamol, theophylin... thuốc kháng viêm corticoid: prednisolon, beclomethason... việc điều trị những thuốc này cần có sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ để hạn chế tác dụng phụ và phụ thuộc thuốc. Tuy nhiên, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim... nên hằng ngày vẫn dùng đều đặn nhiều thứ thuốc, đôi khi sự tương tác giữa các thuốc làm giảm hiệu quả và gây ra tác dụng phụ. Người bệnh có thể quên uống thuốc hoặc bỏ thuốc làm tái phát cơn hen mặc dù đã được kiểm soát. Người bệnh không nhận biết sớm các triệu chứng bệnh trở nặng, nên không thể xử trí kịp thời. Người cao tuổi khó bỏ được các thói quen như hút thuốc, hoặc ăn những món ăn ưa thích là yếu tố kích phát cơn hen. Do đặc điểm của cơ thể người cao tuổi, việc sử dụng thuốc thường dưới mức cần thiết nên hiệu quả điều trị thấp và chậm. Người cao tuổi dễ bị tác dụng phụ khi dùng thuốc hơn người trẻ. Cấu trúc và chức năng của đường hô hấp bị biến đổi và suy giảm do quá trình lão hóa nên sự đáp ứng với thuốc cũng kém đi. Người cao tuổi thường gặp khó khăn trong việc sử dụng các thuốc dạng hít và thiết bị máy móc. Sự giúp đỡ, hỗ trợ của người thân hoặc người chăm sóc rất cần thiết và trong một số trường hợp còn có tính quyết định. Nhờ có người chăm sóc, các bệnh nhân già yếu không còn minh mẫn có thể dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi và phát hiện khi bệnh trở nặng cũng như những biến chứng do bệnh hoặc do thuốc gây ra.

Lời khuyên của thầy thuốc

Mặc dù bệnh hen cần dựa vào thuốc để ngăn ngừa và giảm triệu chứng, nhưng có thể làm giảm bớt khả năng xảy ra cơn hen bằng cách: giảm tiếp xúc với những thứ kích hoạt các triệu chứng hen là một phần quan trọng của kiểm soát hen; sử dụng điều hòa không khí. Nếu không có điều hòa không khí, cố gắng giữ kín các cửa sổ trong mùa phấn hoa; giữ sạch không khí trong nhà. Nếu dị ứng với lông thú, tránh vật nuôi có lông... Chăm sóc bản thân và điều trị các bệnh khác liên quan đến bệnh hen. Hãy tập thể dục thường xuyên. Có bệnh hen không có nghĩa là phải ít hoạt động hơn. Thường xuyên tập thể dục có thể tăng cường sức khỏe tim và phổi, giúp giảm các triệu chứng hen. Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh, thừa cân có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen. Ăn nhiều trái cây và rau có thể làm tăng chức năng phổi và làm giảm các triệu chứng hen. Những thực phẩm này rất giàu chất dinh dưỡng (chất chống ôxy hóa) tăng cường hệ miễn dịch. Điều quan trọng là nhận biết và điều trị sớm các cơn hen, uống thuốc theo hướng dẫn, nếu đã dùng thuốc mà cơn hen không được kiểm soát cần đi khám bác sĩ ngay.

BS. Đinh Thị Thanh

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm