Theo VCCI, nhiều năm qua tỷ lệ các doanh nghiệp FDI thua lỗ vẫn luôn cao nhất, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Sản xuất linh kiện xe máy tại Công ty TNHH TS Việt Nam (KCN Nội Bài).(Ảnh minh họa: Huy Hùng/Báo Hà Nội mới)
Nói về năng lực sinh lợi của doanh nghiệp tại Việt Nam, Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố có đánh giá rất đáng chú ý rằng, trong 3 loại hình doanh nghiệp, các doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ vẫn luôn cao nhất.
Thua lỗ, nhưng doanh nghiệp FDI liên tục mở rộng kinh doanh
Cụ thể, theo VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong nền kinh tế giai đoạn 2007-2010 đã giảm so với giai đoạn 2000-2006, xuống còn khoảng dưới 30% trong các năm 2007-2010, tuy nhiên đã tăng cao trở lại trong giai đoạn 2011-2014 với mức trung bình khoảng 38,7%.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2011-2014, chỉ có năm 2012 là tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ ở mức thấp, 21,7%, còn lại đều cao, lần lượt là: năm 2011 với 42,9%, năm 2013 với 44,8% và năm 2014 là 45,4%. Dù nền kinh tế trong hai năm 2013-2014 đã có những dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ vẫn đang có xu hướng tăng lên.
Chính kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2014 là một trong những nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong năm 2015 cao, 71.391 doanh nghiệp, tăng 22,4% so với năm 2014.
Đặc biệt, trong ba loại hình doanh nghiệp, các doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ vẫn luôn cao nhất, có những thời điểm lên đến 51,2% năm 2008 hay 49,8% năm 2009.
VCCI bình luận rằng: “Việc kinh doanh gặp phải thua lỗ là chuyện bình thường, nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp FDI thua lỗ cao khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự thật của việc thua lỗ, khi mà các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam”.
Trước thực trạng này, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp để kiểm soát việc chuyển giá thông qua việc thanh tra các doanh nghiệp này. Những biện pháp này bước đầu đã có tác dụng khi mà tỷ lệ doanh nghiệp FDI thua lỗ đã giảm mạnh, chỉ còn 44,2% năm 2010 và 45,0% năm 2011, thấp nhất trong giai đoạn 2007-2013. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, 2012-2014, tỷ lệ các doanh nghiệp FDI thua lỗ cũng tăng cao trở lại cùng với xu hướng khó khăn chung của cả nền kinh tế.
Doanh nghiệp nhà nước luôn có khoản lỗ ‘khổng lồ’
VCCI cũng cho hay, tỷ lệ các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ luôn thấp nhất, luôn dưới 15% trong giai đoạn 2007-2010, sau đó cũng tăng lên trong 4 năm gần đây, lên mức 17,9% năm 2014. Các doanh nghiệp nhà nước với nhiều lợi thế và ưu đãi, chi phí bỏ ra ít hơn, chẳng hạn như chi phí liên quan đến mặt bằng sản xuất kinh doanh, nên hoạch toán có lãi nhiều hơn so với các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, đây là xét về số lượng doanh nghiệp, còn về giá trị thua lỗ thì các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn tổng công ty, luôn có những khoản thua lỗ khổng lồ.
Nếu xét theo quy mô doanh nghiệp, tỷ lệ các doanh nghiệp thua lỗ thường tỷ lệ nghịch với quy mô doanh nghiệp. Điều này cho thấy các doanh nghiệp siêu nhỏ thường dễ bị thua lỗ nhất. Chính tỷ lệ thua lỗ tăng mạnh của các doanh nghiệp siêu nhỏ trong các năm 2011, 2013 và 2014 đã làm cho tỷ lệ thua lỗ của toàn doanh nghiệp tăng cao, trong khi nhóm các doanh nghiệp có quy mô nhỏ trở lên không có sự tăng đột biến này. Ngoài sự khác biệt của doanh nghiệp siêu nhỏ, 3 nhóm doanh nghiệp còn lại là doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn thường có tỷ lệ thua lỗ gần bằng nhau và diễn biến cùng chiều hướng tăng lên nhẹ trong giai đoạn 2007-2014.
Khai khoáng 'sống khỏe'
Xét theo ngành nghề kinh doanh, theo khảo sát của VCCI, những ngành có tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ cao trong năm 2014 phải kể đến như Giáo dục và đào tạo (64%), Thông tin và truyền thông (59,3%), Hoạt động kinh doanh bất động sản (57,7%)… Đáng chú ý, đây cũng là 3 ngành có tỷ lệ thua lỗ cao nhất trong năm 2013.
Có tổng số 9 ngành có tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ cao hơn 50%. Ba ngành có tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ thấp nhất là Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí (31,5%), Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (34,9%) và Khai khoáng (36,8%). Đây cũng là những ngành mà tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ luôn thấp hơn so với các ngành khác trong giai đoạn 2007-2014, cho thấy cơ hội thị trường và năng lực kinh doanh của doanh nghiệp trong các ngành này khá tốt./.
Theo Xuân Thân/VOV.VN