Ông Barack Obama tuyên bố, Mỹ và các đối tác châu Âu cần nỗ lực để sớm kết thúc đàm phán Hiệp định tự do thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AP).
Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố trong chuyến thăm 2 ngày đến Đức rằng, Mỹ và các đối tác châu Âu cần nỗ lực để sớm kết thúc các vòng đàm phán của Hiệp định tự do thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
Trong buổi họp báo đầu tiên cùng nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel sau khi khai mạc Hội chợ quốc tế Hannover, Tổng thống Mỹ Obama cho biết ông không hy vọng Hiệp định sẽ được các bên phê chuẩn trước cuối năm nay nhưng chờ đợi là các vòng đàm phán sẽ sớm kết thúc trong năm 2016, cũng là thời điểm mà ông Obama kết thúc 2 nhiệm kỳ trên cương vị Tổng thống Mỹ.
Theo ông Obama thì sắp tới cả nước Mỹ và châu Âu đều có nhiều thay đổi trong các chính quyền nên thời điểm này hai bên cần phải đẩy mạnh các nỗ lực đàm phán để tránh nguy cơ Hiệp định này phải đối mặt với các rủi ro mới về chính sách của các chính quyền mới trong tương lai.
Nhiều nhà phân tích đánh giá, phát biểu này cho thấy ông Barack Obama đang rất nóng lòng muốn để lại di sản của mình trong những tháng cuối trên cương vị Tổng thống và nếu Hiệp định Tafta sớm được thông qua trước khi ông Obama rời Nhà Trắng, đó sẽ là một trong những thành tích lớn nhất của ông Obama trong thời gian cầm quyền.
Tuy nhiên, hầu hết những đánh giá đều cho rằng mục tiêu mà ông Obama mong muốn đạt được là rất có khả năng thành hiện thực, thậm chí là bất khả thi.
Nguyên nhân lớn nhất chính là còn quá nhiều bất đồng giữa Mỹ với châu Âu trong các vòng đàm phán. Trong ngày hôm nay, 25/4, vòng đàm phán thứ 13 sẽ diễn ra ở New York và các thông tin phát đi trước đó cho thấy khả năng đạt được các tiến bộ là rất ít. Những cản trở chính mà phía châu Âu cáo buộc phía Mỹ đó là Mỹ đưa ra quá ít nhân nhượng và đặc biệt là các bang ở Mỹ vẫn duy trì chính sách bảo hộ quá chặt chẽ.
Trong khi đó, Mỹ cũng lại chỉ trích các đối tác châu Âu đưa ra quá nhiều điều kiện khác nhau trong đàm phán, khiến các vòng đàm phán hiện bế tắc ở hai điểm chính là hệ thống các luật lệ giải quyết tranh chấp và ở việc bảo hộ xuất xứ của các sản phẩm nông nghiệp.
Trên thực tế, bất chấp nỗ lực của ông Obama và cả Thủ tướng Đức Angela Merkel nhằm làm nóng chủ đề Tafta, nhiều nước lớn khác ở châu Âu vẫn từ chối đưa việc bàn thảo về Hiệp định Tafta vào lịch làm việc của Hội nghị G5 hôm nay tại Đức. Pháp, nền kinh tế thứ 2 châu Âu đã tuyên bố không bàn về Tafta bởi chủ đề này hiện đang gây rất nhiều tranh cãi ở Pháp và dư luận Pháp phản đối rất mạnh nên trong bối cảnh uy tín đang xuống rất thấp và lại sắp tới các đợt bầu cử, chính quyền của Tổng thống Francois Hollande không muốn làm tăng sự bất mãn của dư luận trong nước.
Nhìn chung, đến thời điểm này, chuyến thăm của ông Obama đến các nước châu Âu đang thu hút được sự chú ý lớn của dư luận nhưng các kết quả đạt được chưa tương xứng như kỳ vọng của Tổng thống Mỹ và ý định của ông Obama muốn để lại di sản bằng một Hiệp định thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử giữa hai bờ Đại Tây Dương nhiều khả năng sẽ không thành hiện thực trước khi ông rời ghế Tổng thống Mỹ./.
Theo Thùy Vân/VOV.VN