Theo Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư tăng 0,33% so với tháng Ba và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2015.
Cánh đồng lúa mất trắng ở Bạc Liêu do hạn hán và xâm nhập mặn. (Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm/TTXVN)
Như vậy, CPI tháng này đã tăng 1,33% so với tháng 12 năm ngoái. CPI bình quân bốn tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ cũng tăng 1,41%.
Do đó, chỉ số lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng Tư chỉ tăng 0,19% so với tháng trước đó, tăng 1,76% so với cùng kỳ.
Cũng theo Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính thì có 8 nhóm tăng giá, trong đó tăng cao nhất là nhóm giao thông (+1,73%) và tăng thấp nhất là nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép (+0,05%).
Bên cạnh đó, chỉ số giá tại hai nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống và bưu chính viễn thông giữ ở mức ổn định. Tuy nhiên, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch lại giảm nhẹ 0,01%.
Gom lúa gạo cho xuất khẩu
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê chỉ ra các nguyên nhân làm tăng CPI trong tháng Tư, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 1,11% thông qua các hoạt động thu gom lúa gạo của các thương lái nhằm thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký từ trước.
Hơn nữa, tác động của khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đã đẩy giá lúa gạo trên thị trường tăng.
Tuy nhiên bà Ngọc cũng dự báo, “yếu tố mặt tâm lý vẫn là chủ yếu và hiện tượng trên chỉ mang tính chất nhất thời, vì hiện tại cân đối cung-cầu không xảy ra hiện tượng chênh lệch lớn. Thêm vào đó, trong thời gian tới nguồn cung gạo thế giới tiếp tục tăng trong khi một số nước đang tạm hoãn kế hoạch nhập khẩu như Indonesia, Philippin sẽ khiến giá xuất khẩu gạo khó tăng cao được.”
Thuế phòng hộ thép… đẩy CPI
Đáng chú ý, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở bất ngờ tăng 1,64%, chủ yếu xuất phát từ những biến động giá của mặt hàng sắt thép tăng mạnh 5%-8% do việc áp thuế phòng hộ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu (Quyết định số 862/QĐ-BCT ngày 7/3), cụ thể giá bán thép trong nước được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng từ 1.000 – 1.600đồng/kg.
Song một thực tế khác, nhu cầu xây dựng có xu hướng tăng nên giá các mặt hàng vật liệu xây dựng đều tăng nhẹ.
Ngoài ra, theo bà Ngọc hiện thời tiết đã vào mùa hè, khiến giá nước sinh hoạt tăng 0,3% do nhu cầu tiêu dùng vào bắt đầu nắng nóng. Ngoài ra, tỉnh Lai Châu tăng 23,13% giá nước sinh hoạt theo quyết định số 128/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Bên cạnh đó hạn hán kéo dài ở Gia Lai làm cho chỉ số giá nước tăng 16,89%.
Tiếp đến, trong tháng giá xăng đã tăng 1.190 đồng/lít, dầu diezezen tăng 290 đồng/lít (21/3 và 5/4) đã khiến chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 3,83% so với tháng Ba, góp phần tăng CPI chung khoảng 0,16%.
Bà Ngọc cũng chỉ ra hai yếu tố khác không thể bỏ qua, đó là giá gas tháng Tư cũng tăng 2,61% tăng 10.000đ/bình 12 kg do giá gas thế giới tăng. Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế tăng 0,47% do một số tỉnh trong tháng này mới điều chỉnh theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/3/2016.
Vàng tiếp tục tăng giá
Giá vàng trong nước sau khi tăng cao ở tháng Ba theo giá vàng thế giới thì tháng Tư tiếp tục biến động theo giá USD và giá dầu thế giới. Cu thể bình quân tháng giá vàng trong nước đã tăng nhẹ 0,3%.
Tuy nhiên, bà Ngọc cho hay, hiện tại giá vàng trong trong nước đang thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 300.000 đồng/lượng khác hẳn với xu hướng của giá vàng những năm trước thường cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới.
Bình quân giá vàng trong nước (15/4) dao động quanh mức 3,33 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
“Giá USD trên thị trường khá ổn định do nguồn USD tại các ngân hàng khá dồi dào, được bù đắp từ ngunồ giải ngân đầu tư và kiều hối gửi về cuối năm, giá bình quân ở thị trường tự do tháng này ở mức 22.300-22.400 VND/USD,” bà Ngọc nói./.
HẠNH NGUYỄN (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/kho-han-nang-nong-tac-dong-manh-den-da-tang-cpi-thang-tu/382822.vnp