Cách thành phố Vĩnh Yên 20km, nằm trên đường du lịch theo tuyến quốc lộ 2 về thăm đất tổ Hùng Vương, Đền Đuông được xây dựng trên một gò đất cao thuộc xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường. Với không gian yên tĩnh và thoáng đãng, đền Đuông thích hợp là điểm du lịch tâm linh vào những ngày cuối tuần, ngày lễ…
Đền thờ Đông Hải Long Vương, con thứ 25 của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Vì kiêng huý chữ “Đông” nên dân gian mới gọi tên đền là Đuông. Theo truyền thuyết kể lại rằng: Đông Hải Long Vương được Hùng Vương giao cho cai quản cả vùng Bồ Sao, trị thuỷ sông Hồng, thu nạp dân phiêu tán vì lũ lụt về khai phá trại ấp, giữ yên tĩnh cho các làng chạ suốt vùng châu thổ, từ Ngã ba Hạc ra tới cửa biển .Các triều đại phong kiến sau này đều sắc phong cho ngài là “Đông Hải Long Vương tế thế chi thần”.
Nằm hài hoà với thiên nhiên, giữa những cánh đồng, đền Đuông có kiến trúc hình chữ Công. Hai toà tiền đường và hậu cung được nối với nhau bằng ống muống. Toàn bộ công trình có 48 cột, hình chum, phình ở giữa và thuôn hai đầu. Các cột đều kê trên đá tảng, chia làm 4 hàng vững chắc. Các kèo làm lối kẻ chuyền, bào trơn đóng bén. Thượng lương đặt trên giá chiêng. ống muống có cấu trúc hai tầng mái kiểu chồng diềm mỗi cạnh 6m nổi lên thành lầu chuông, lầu trống.
Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng 10 pho tượng cổ còn lưu giữ được: Đông Hải Long Vương, Thụy Minh Thái phu nhân, Mục Trinh công chúa, quan văn, quan võ, lưỡng sư Đồ đồng có đỉnh và 4 cây đèn to cao, màu đen bóng. Đặc biệt, đền Đuông còn bảo tồn được 14 đạo sắc phong từ thời Cảnh Hưng (1745) đến đời vua Khải Định (1925) và cuốn ngọc phả ghi rõ về thần tích, lịch sử Đền.
Đến với đền Đuông, chúng ta không những thoả mãn được nhu cầu về du lịch tâm linh mà du khách còn có dịp tham gia vào phiên chợ quê, được họp cách Đền khoảng 100m. Vào những buổi sáng sớm với những món quà quê hấp dẫn và lí thú phần nào phản ánh được cuộc sống sinh hoạt của người dân xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường.
ST