Hàng loạt ngân hàng lớn đã tiên phong công bố hạ lãi suất cho vay ngay trong ngày Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2016.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Hàng loạt các ngân hàng như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) … đã phát thông báo giảm lãi suất và áp trần lãi suất cho vay 10%/năm với doanh nghiệp.
Quyết định vừa ra đang nhóm lên hy vọng cho rất nhiều doanh nghiệp đang vất vả chống đỡ với cơn bão chi phí vốn cao và hàng tồn kho lớn.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc công ty chuyên về xây dựng ở Thanh Xuân (Hà Nôi) chia sẻ, lãi suất cho vay giảm là một tín hiệu rất mừng đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi gánh nặng lãi suất cao trong suốt thời gian qua có thể nhẹ bớt và doanh nghiệp mới dám nghĩ tới việc có vay tiếp hay không.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng chỉ ra thực tế một hiện tượng rất phổ biến là dù lãi suất cho vay giảm, nhưng việc tiếp cận được nguồn vốn rẻ là không hề dễ dàng, và các khoản vay hiện chưa đáo hạn đã không được điều chỉnh giảm theo, vẫn là một khó khăn đối với doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Đỗ Duy Cường cũng cho rằng nếu nhìn vào diễn biến lãi suất huy động đã tăng nhẹ những tháng đầu năm, và mức tín dụng tăng 5% sau 4 tháng, thì thấy sức ép huy động vốn của nhiều ngân hàng đang lớn hơn, qua đó, khả năng lãi suất huy động tiếp tục nhích lên là có thể xảy ra.
“Bản thân các “ông lớn” như VietinBank, BIDV, Vietcombank có những nguồn vốn huy động dồi dào từ nhiều nguồn, và khả năng giảm lãi suất với các khách hàng có lịch sử tín dụng tốn và các đối tác dài hạn được xem là khả thi. Nhưng để giảm lãi suất cho tất cả các doanh nghiệp thì không dễ thực hiện,” ông Cường nhận định.
Đi sâu vào câu chuyện này, ông Nguyễn Duy Cường cũng chỉ ra một số nguyên nhân khiến việc thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các ngân hàng thương mại sẽ không dễ dàng. Theo đó, mùa đại hội cổ đông năm nay, điều các cổ đông quan tâm nhất và khiến các lãnh đạo nhà băng đau đầu nhất chính là đòi hỏi về cổ tức khi có nhiều ngân hàng thương mại cổ phần chưa trả cổ tức nhiều năm qua khiến cổ đông bức xúc. Điều này tiếp tục tạo áp lực đòi hỏi nhà băng phải cải thiện kết quả kinh doanh và trả cổ tức.
Do đó, trước sức ép huy động vốn, chi phí vốn, thì việc giảm lãi suất với nhiều ngân hàng thương mại cổ phần là không hề dễ. Một nhân tố khác có thể kể đến là áp lực huy động vốn khiến nhiều nhà băng đã nhập cuộc trong cuộc đua lãi suất huy động thời gian qua.
Cụ thể, những tháng đầu năm, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần hạng trung đã liên tục có chính sách tăng huy động vốn thông qua mức lãi suất cao, thậm chí vượt 8%/năm. Tiếp đó BIDV, Vietcombank cũng không đứng yên khi cũng nâng mức lãi suất huy động lên. Hiện tượng này cho thấy vấn đề lãi suất nếu có thay đổi sẽ tạo phản ứng dây truyền, và khối ngân hàng thương mại cổ phần đôi khi lại là nhân tố dẫn dắt xu hướng, thay vì sự áp đặt "cuộc chơi" của các ông lớn ngân hàng có vốn nhà nước.
Một lý do khác tạo rào cản với việc giảm lãi suất nằm ngay ở thị trường. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang tốt, thể hiện qua mức tín dụng 18% năm 2015 và 5% trong 4 tháng đầu năm. Điều này cho thấy cầu vốn của doanh nghiệp, người dân là có thật và đang mạnh lên. Bên cạnh đó, sức hấp thụ vốn trong lĩnh vực bất động sản cho thấy vẫn tốt, cầu vay vốn tiêu dùng đang nâng dần tỷ trọng trong cơ cấu tín dụng của các nhà băng.
Hai lĩnh vực này đang có mặt bằng lãi suất khá cao. Với tỷ suất lợi nhuận tốt, thì các nhà băng sẽ tiếp tục tập trung vào mảng này. Muốn có vốn cho vay thì buộc phải huy động vốn. Khi đó, quan hệ cung cầu sẽ là nhân tố quyết định mặt bằng lãi suất.
Cuối cùng, ông Nguyễn Duy Cường cũng chỉ ra rằng trước khi có cuộc họp ngày 27/4 về việc nhiều ngân hàng lớn cam kết đồng thuận giảm lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã tung ra các gói tín dụng vài nghìn tỷ với lãi suất ưu đãi cho một vài nhóm đối tượng khách hàng, và áp dụng cho một thời gian nhất định. Điều này cho thấy, bản thân các ngân hàng vẫn có những gói tín dụng ưu đãi thấp hơn nhiều mức 10% được các ngân hàng lớn áp trần.
Do đó, có thể thấy, dù lãi được nhiều nhà băng cam kết giảm, nhưng những doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tài sản thế chấp chất lượng thấp, vẫn không dễ tiếp cận được các nguồn vốn, bởi đã là kinh doanh, ngân hàng cũng phải tìm kiếm lợi nhuận và quản trị rủi ro.
Trước đó, ngày 29/3, Ngân hàng Vietcombank hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn. Theo đó, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh vay vốn trung và dài hạn sẽ được hưởng gói lãi suất ưu đãi (tối đa 10% một năm) trong thời gian một năm. Tương tự Vietcombank, VietinBank, BIDV cũng thông báo hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn từ ngày 29/4 về tối đa 10% một năm. Riêng BIDV, lãi suất cho vay ngắn hạn cũng giảm nhẹ (giảm 0,5%) nhưng chỉ áp dụng cho khách hàng tốt, vay vốn để sản xuất kinh doanh.
TPBank vừa công bố dành 5.000 tỷ đồng cho vay các doanh nghiệp với mức lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm. Đối tượng được hưởng ưu đãi là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay vốn và sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế tại ngân hàng này và các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ.
Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) áp dụng chính sách lãi suất cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên phát triển như nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đối với các khoản vay trung dài hạn, SHB áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa 10%/năm; đối với các khoản cho vay ngắn hạn, SHB xem xét giảm lãi suất 0,5% so với mức lãi suất hiện hành.
Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội nhận được lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5% đến 1% so với lãi suất cho vay chung đạt các tiêu chí do Techcombank đưa ra./.
THÙY DƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/hang-loat-ngan-hang-giam-lai-suat-cho-vay-doanh-nghiep-them-co-hoi/383887.vnp