Ảnh minh họa
Sơ lược
Đền Trinh Uyển (đền Bà, đền Vị Thanh) được xây dựng trên một khu đất cao, rộng và thoáng đãng ven đầm Vạc thuộc xã Vị Nội, tổng Hương Canh, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây; nay thuộc thôn Vị Thanh, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Lịch sử
Trinh Uyển là từ chỉ người con gái xinh tươi, dịu dàng, trong sáng, thanh tao. Ngoài ra, nghĩa của trinh uyển còn thể hiện niềm tiếc thương, vô vàn kính nhớ.
Đền Trinh Uyển thờ nàng Phùng Vĩnh Hoa, một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Từ niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 6 (1624), trải qua nhiều triều đại, Bà đều được sắc phong thần. Đến niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917), được vua phong là Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng tôn thần. Do đó, đền Bà có tên chữ là Trinh Uyển linh từ. Ngày 17/5/1924, niên hiệu Khải Định thứ 9 (theo chữ ghi ở Thượng Lương), đền Trinh Uyển mới được xây dựng quy mô hơn và tồn tại đến ngày nay.
Đặc điểm
Đền Trinh Uyển gồm 3 toà kiến trúc bố cục theo kiểu chữ Công, tiền tế 5 gian (24 cột, mỗi cột có kích thước 40 cm); ba gian giữa nối với hậu cung, hai mái bít đốc có cửa gỗ bức bàn, 1 gian ống và 3 gian hậu cung lợp 2 tầng mái cong, nhưng đầu hồi lại xếp thành 3 tầng mái, có tạo gác lửng làm khám thờ thần.
Đền có kết cấu 6 bộ vì chồng rường giá chiêng, kỹ thuật mộng sàm đạt đến trình độ cao, toàn đền có 32 cột gỗ chắc khỏe, chân cột kê đá chống ẩm và mối mọt. Bộ mái của tòa ống muống và hậu cung làm theo kiểu chồng diêm và được lợp ngói mũi truyền thống.
Ở đền Bà, mảng chạm khắc ở đầu dư những bức cốn đã được tạo thành hình rồng ở nhiều tư thế khác nhau (rồng uốn, rồng chầu mặt trời) rất sắc nét, điêu luyện, sinh động. Đền còn có 4 bộ long ngai và các bức hoành phi, câu đối chữ Hán được gia cố công phu, trang trí cầu kỳ.
Phía trước đền là đầm Vạc, từ sân đền xuống tới đầm Vạc, phải qua 15 bậc gạch đá mới đến mặt nước.
Du khách đến đền Trinh Uyển vào khoảng rằm tháng 10 sẽ được tham dự lễ hội tế trâu (diễn ra vào ngày 13, 14, 15/10 âm lịch).
Lễ hội tế trâu diễn ra từ trưa ngày 13 với các nghi thức như: lễ cáo, rước ban thờ bộ hạ, dẫn trâu ra sân đình. Đêm 13 tổ chức tế ở đình làng rồi rước trâu ra đền. Đi đầu đoàn rước là trâu lễ, sau đó là người nuôi trâu trong trang phục màu đỏ, chạc trâu được tết bằng dây đỏ, kiệu bát cống rồi kiệu quan bộ hạ, tiếp theo là các đội tế, phường bát âm, chiêng, trống, đi sau cùng là dân làng với hàng trăm bó đuốc.
Cuộc lễ được tiếp diễn ở đền với các nghi thức tắm trâu, làm lễ nghinh thánh, dắt trâu vào đền làm lễ hiến tế trâu.
Sau khi lễ tế xong, phần hội với nhiều trò chơi vui nhộn sẽ kéo dài đến hết ngày 15 mới làm lễ tạ.
ST