Cập nhật: 10/05/2016 08:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dù mức lạm phát còn thấp và cách khá xa mục tiêu kiểm soát, song đây vẫn là một biến số khó lường và đòi hỏi cẩn trọng trong điều hành.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cung tiền sẽ tăng nên sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn. (Ảnh minh họa: KT)

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng, giá thép tăng khá mạnh gây áp lực lớn lên chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4 vừa qua. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, sau những đánh giá trái chiều về việc lạm phát ở mức rất thấp trong năm ngoái (chỉ đạt 0,63%, thấp nhất 14 năm), những tháng đầu năm nay giá cả thị trường đang cho thấy một xu hướng khác.

Dù lạm phát sau 4 tháng đang dừng ở mức 1,33%, còn thấp và cách khá xa mục tiêu điều hành lạm phát 5% trong năm nay, song đây vẫn là một biến số khó lường và đòi hỏi cẩn trọng trong điều hành. Bởi diễn biến chỉ số giá tiêu dùng năm nay dường như đang không theo quy luật.

Thông thường, chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm lại trong tháng 3 và tháng 4, nhưng năm nay lại tăng 0,53% trong tháng 3 và tăng 0,33% trong tháng 4 (so với tháng trước) – đây là mức tăng khá cao. Thậm chí, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 năm nay tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng cao chủ yếu do giá lương thực, xăng tăng và dịch vụ y tế tăng. Quan trọng hơn, tất cả các yếu tố gây tăng giá này vẫn tiềm ẩn nguy cơ trong những tháng tới.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (chỉ số giá tiêu dùng sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 4 tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,76% so với cùng kỳ những năm trước. Lạm phát 4 tháng đầu năm nay vẫn ở mức thấp (cao hơn năm 2015 nhưng thấp hơn các năm từ 2010 đến 2014).

Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính vẫn giữ quan điểm lạm phát sẽ thấp, bởi lẽ mức tăng trong những tháng vừa qua của chỉ số CPI chủ yếu là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Do đó, nếu trừ đi mức điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp. “Trong năm nay, có thể mức điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ vẫn cao thế nhưng trong năm sau, khi chúng ta không điều chỉnh giá dịch vụ y tế nữa thì lạm phát sẽ lại quay lại mức thấp”, ông Độ cho biết.

Mặc dù lạm phát 4 tháng vẫn ở mức thấp, song nhiều ý kiến cho rằng, những rủi ro tiềm ẩn về giá điện, giá nước, giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu tăng lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát trong năm nay. Nhiều khả năng, trong nửa cuối năm nay, và giá các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, khi giá hàng hóa thế giới - trong đó có giá dầu phục hồi thì lạm phát sẽ bị đẩy lên cao hơn. Chưa kể, một mối lo khác là những tác động do chính sách tiền tệ, tài khóa đem lại.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cung tiền sẽ tăng nên sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn. Theo dự báo của Ngân hàng HSBC, lạm phát sẽ tăng nhanh lên mức 5,2% vào cuối năm nay, chạm mức trần mục tiêu do Chính phủ đề ra. Như vậy, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển sang áp dụng các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ trong nửa sau của năm nay và lãi suất sẽ tăng 50 điểm trong quý 3 năm nay.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách phân tích: “Hiện nay, niềm tin đang có dấu hiệu được cải thiện nhưng bây giờ lạm phát tăng lên là nó có thể làm mất niềm tin. Xét ở góc độ kỹ thuật, lạm phát từ 4-5% chưa phải là cao, nhưng quan trọng là người ta thấy năm nay 4%, 3% nhưng không biết là năm sau thế nào. Năm ngoái là 0-1%, năm nay là 4-5% thì năm sau có là 10% không? Mà đã 10% của năm 2017 thì chả ai dám làm gì cả, chả ai dám vay gì cả, tất cả dừng lại hết. Anh muốn cho vay thì phải cho vay rất dài, lãi suất rất cao thì tôi mới cho vay để bù đắp rủi ro đó. Vì thế, gây nên sự xáo trộn”.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong năm 2015 - khi chỉ số giá tiêu dùng giữ ở mức thấp và ổn định đã tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ các chi phí theo giá thị trường, tạo ra dư địa cho các chính sách tiền tệ trong bối cảnh có nhiều áp lực cho tỷ giá.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, giá dầu tăng giảm bất thường và nhiều khi không đơn thuần liên quan đến cung - cầu thị trường, mà còn là yếu tố chính trị, thì việc cẩn trọng và luôn chủ động ứng phó trước những diễn biến bất thường của thị trường thế giới là điều quan trọng và cần thiết.

Bà Vũ Thị Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê khuyến cáo: “Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, xăng dầu, sắt, thép, phân bón… khi tăng trở lại gây áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI”.

Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, Chính phủ cần kiểm soát tốt lạm phát, không chủ quan với lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tính ổn định của nền kinh tế. Nếu chủ quan với lạm phát, sẽ khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã tính toán mức tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 18-20% để đáp ứng được với mức tăng trưởng kinh tế 6,7%. Tuy nhiên, nếu lơ là với kiểm soát giá cả, trong đó, có cả việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý, nếu không phù hợp, xem xét, phân tích trên nhiều yếu tố, sẽ khó khăn cho chính sách tiền tệ./.

Theo Cẩm Tú/VOV.VN

Tệp đính kèm