Cập nhật: 27/05/2016 08:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc phát hiện và xử lý hàng giả hàng nhái chủ yếu vẫn tập trung vào khâu lưu thông, bán lẻ hàng hóa dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Phân bón nhái, phân bón kém chất lượng đang hoành hành dữ dội từ khắp các vùng, miền trên toàn quốc. (Ảnh: Internet)

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ đang gây ảnh hưởng xấu đến các nhà sản xuất, người tiêu dùng và cả nền kinh tế. Đặc biệt trong điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập chung của xã hội còn thấp thì nạn hàng giả, hàng nhái càng có điều kiện phát triển và lan rộng trên hầu như tất cả các ngành hàng.

Hàng giả “như nấm mọc sau mưa”

Theo ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng công ty Thép Việt Nam, sản phẩm nhái thương hiệu được đặt sản xuất ở những cơ sở sản xuất kém chất lượng hoặc nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng thấp hơn, giá thành sản xuất thấp hơn. Sau đó cơ sở trong nước cố tình in nhãn mác thương hiệu các đơn vị thuộc Tổng công ty Thép, bán trà trộn ra thị trường với giá thấp hơn từ 20 - 30%.

“Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị. Doanh nghiệp bị giảm sản lượng tiêu thụ, giảm thị phần, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, gây nghi ngờ cho người tiêu dùng, thiệt hại về kinh tế về thương hiệu”, ông Hiệp cho biết.

Tương tự, đại diện Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng bức xúc khi chia sẻ: Vấn nạn phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng đang hoành hành dữ dội từ khắp các vùng, miền trên toàn quốc. Vấn nạn này không những ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người nông dân - những người mua và sử dụng phân bón, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các nhà sản xuất chân chính.

“Các cơ sở thường làm hình thức bao bì gần giống các sản phẩm của các Công ty có uy tín trên thị trường, từ màu sắc, kích thước, tên sản phẩm, thậm chí cả Logo với mục đích làm cho người nông dân mua sản phẩm nhầm tưởng đó là các sản phẩm của các Công ty có uy tín trên thị trường, sau đó đóng phân bón không đảm bảo chất lượng trong bao bì trên để thu lợi bất chính”, đại diện doanh nghiệp nói.

Nhận định về thực trạng hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ, Luật sư Nguyễn Anh Ngọc, Trưởng phòng Nhãn hiệu và Xử lý vi phạm, Công ty INVESTIP cho rằng, trên thị trường thì hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng nhiều và khó phân biệt, đặc biệt ở những nhóm hàng thuộc lĩnh vực công nghệ cao như thiết bị máy tính, thuốc chữa bệnh hay nhóm hàng hóa phục vụ tiêu dùng như quần áo, mỹ phẩm...

“Đáng lưu ý, hành vi vi phạm còn xuất hiện ở nhóm hàng hóa có khả năng gây hậu quả, ảnh hưởng đến, tính mạng, sức khỏe con người như thuốc bảo vệ thực vật, sắt thép xây dựng, thực phẩm, đồ uống....”, Luật sư Nguyễn Anh Ngọc cho biết.

Chế tài hành chính không đủ sức răn đe

Công tác đấu tranh chống hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ những năm qua nhìn chung vẫn được duy trì và phát huy khá tốt, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Với phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, các đối tượng vi phạm ngày càng gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp trong việc phát hiện, xác minh, theo dõi quy luật hoạt động, thu thập chứng cứ…

Trong khi đó, nhận thức của xã hội, thói quen tiêu dùng và tập quán sinh hoạt của cộng đồng còn nhiều hạn chế, tâm lý sính dùng đồ hàng hiệu giá rẻ là mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tồn tại và phát triển.

Luật sư Nguyễn Anh Ngọc cho rằng, biện pháp xử lý hành chính hiện nay vẫn được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn và sử dụng chủ yếu tại Việt Nam, do các thủ tục tại Tòa án còn phức tạp, phiền hà với doanh nghiệp. “Chế tài hành chính hiện vẫn không đủ sức răn đe. Việc phát hiện và xử lý chủ yếu vẫn tập trung vào khâu lưu thông, bán lẻ hàng hóa vi phạm, dẫn đến hiệu quả đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa triệt để”.

Đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam, ông Nguyễn Đức Hiệp lại gợi ý đề xuất thành lập trong mỗi công ty một tổ chuyên chống hàng giả, để điều tra và tiếp nhận thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xử lý khi phát hiện ra đối tượng sản xuất, mua bán  hàng giả.

Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ hết sức nhức nhối, với những thủ đoạn tinh vi, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, trong công tác quản lý cần phải hết sức quan tâm đến các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, một số còn bất cập, chồng chéo hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, sự phối kết hợp giữa các lực lượng điều tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong thời gian qua mặc dù đã có cố gắng nhưng còn có nhiều vấn đề cần khắc phục. Các doanh nghiệp cũng cần tiên quyết bảo vệ quyền lợi của chính mình, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như sự nghiêm minh của pháp luật, từ đó xác định quyết tâm và đầu tư cả về kinh phí và nguồn lực để công tác đấu tranh, phòng ngừa mang lại kết quả cao.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng, đó là công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cần phải được đẩy mạnh, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của các cơ quan thông tấn báo chí. Nếu thiếu các cơ quan này sẽ không thể tạo ra hiệu quả công tác./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN 

Tệp đính kèm