Cập nhật: 30/05/2016 09:13:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bánh khoai sọ thôn Đông Mẫu, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc là một loại bánh truyền thống có từ lâu đời nhưng ngày nay đã mai một dần. Do thời gian sinh trưởng của cây khoai sọ gần 1 năm, năng suất không cao nên ngày nay ít trồng. Khoai sọ khi thu hoạch, rũ sạch đất để nguyên cả khóm (vầng) khi sử dụng mới bẻ riêng từng củ. Trong 1 khóm khoai (vầng khoai) người ta chia làm 3 loại: củ cái là củ từ khi trồng nó lớn lên, củ nàng ả là củ được sinh ra từ củ cái, củ con là củ được sinh ra từ củ nàng ả. Chỉ có củ cái được chọn làm bánh còn củ nàng ả, củ con làm bánh thì bị nhão ăn không ngon.

Nguyên liệu để làm bánh khoai sọ gồm: Củ khoai cái, bột gạo tẻ (khoảng 1/10 lượng khoai) và đậu xanh làm nhân.

Cách làm bánh khoai như sau:

Đậu xanh ngâm, đãi sạch vỏ sau đem nấu chín gọi là cơm đậu, nắm thành từng thỏi nhỏ bằng ngón tay cái, gần bằng chiều dài của bánh, khoảng 18-20 cm để làm nhân bánh.

Khoai cái sau khi gọt, rửa sạch đem duôi thành lát mỏng, ngâm từ 2-3 giờ, đem rửa sạch để ráo nước cho vào cối cùng với bột gạo và một ít muối cho bánh đượm đà giã nhỏ cho đến khi khoai và bột quyện vào nhau, dẻo đem ra nặn bánh. Người ta rải lá chuối xuống trước lấy muôi múc khoai ra với lượng vừa đủ, rải theo chiều dài của bánh, dùng tay dàn đều, ấn nhẹ thành rãnh, để nhân vào rãnh, dùng tay ấp hai bên vào cho kín nhân rồi gói lá lại dùng dây giàng, buộc như gói bánh chưng tày. Sau đó đem vào luộc. Bánh chín để nguội, bóc bánh, cắt thành từng đồng ăn vừa dai, dẻo lại bùi rất ngon.

Bánh khoai làm quanh năm, nhưng nhiều nhất là dịp tết trung thu.

ST

Tệp đính kèm