Mục đích điều trị là loại trừ sỏi ra khỏi đường tiết niệu và các biến chứng do sỏi gây ra; lập lại sự thông thoáng đường tiết niệu và ngăn ngừa sỏi tái phát.
Sỏi tiết niệu.
Điều trị sỏi tiết niệu thế nào?
Mục đích điều trị là loại trừ sỏi ra khỏi đường tiết niệu và các biến chứng do sỏi gây ra; lập lại sự thông thoáng đường tiết niệu và ngăn ngừa sỏi tái phát.
Ở giai đoạn sớm chưa có biểu hiện, chức năng thận không bị ảnh hưởng và đường niệu thông suốt, có thể chỉ cần theo dõi sự di chuyển của sỏi là chủ yếu, hoặc kết hợp điều trị nội khoa hỗ trợ tạo điều kiện cho sỏi di chuyển thoát ra ngoài thuận lợi như: uống nhiều nước; vận động nhiều; dùng các loại thuốc chống phù nề, chống co thắt và giãn cơ trơn, lợi niệu nhẹ bằng thuốc Đông y như uống nước râu ngô, bông mã đề, kim tiền thảo...; tùy biểu hiện, có thể cần dùng thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau.
Giai đoạn sau, có thể cần dùng các biện pháp can thiệp như: tán sỏi, phẫu thuật nội soi lấy sỏi và mổ mở...
Lời khuyên thầy thuốc
Sỏi tiết niệu thường tái phát, vì vậy cần phải thích nghi và thay đổi lối sống để giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm tái phát sỏi.
Chế độ ăn uống: Uống đủ nước khoảng 2 - 3 lít nước/ngày, mùa hè uống nhiều hơn mùa đông, uống làm nhiều lần, trời nóng nên uống vào buổi sáng. Hạn chế ăn, uống các chất góp phần tạo sỏi như hạn chế các thức ăn, đồ uống có nhiều axit oxalic như chè, cà phê, sô-cô-la, các loại rau có màu xanh đậm; hạn chế thực phẩm có nhiều axit uric như các loại thịt màu đỏ, phủ tạng động vật; người có sỏi canxi hạn chế sử dụng thức ăn có nhiều canxi như pho mát, sữa đậu nành, nho. Không dùng nhiều thức ăn, đồ uống có nhiều canxi như sữa bổ sung canxi cho người già, các loại cao xương.
Thay đổi lối sống: Hạn chế ngồi lâu một tư thế, nên vận động nhiều; hạn chế làm việc nhiều giờ trong điều kiện nhiều ánh nắng mặt trời, nóng bức; không nhịn tiểu.
BS. Yến Ngọc
Theo suckhoedoisong.vn