Chứng khó nuốt là một dấu hiệu của bệnh lý hầu họng hoặc thực quản, thường gặp ở người cao tuổi, trẻ sinh non hoặc người bị bệnh về não hay hệ thần kinh. Nếu chỉ bị khó nuốt một vài lần thì không phải là bệnh lý, nhưng khó nuốt thường xuyên là bệnh lý cần phải điều trị.
Chứng khó nuốt là một dấu hiệu của bệnh lý hầu họng hoặc thực quản, thường gặp ở người cao tuổi, trẻ sinh non hoặc người bị bệnh về não hay hệ thần kinh. Nếu chỉ bị khó nuốt một vài lần thì không phải là bệnh lý, nhưng khó nuốt thường xuyên là bệnh lý cần phải điều trị.
Chứng khó nuốt với biểu hiện đa dạng
Trên thực tế, chứng khó nuốt có nhiều dạng: tự nhiên xuất hiện và biến mất; khó nuốt nhẹ hay nặng hoặc càng ngày càng nặng. Các triệu chứng của khó nuốt gồm: khó khăn khi nuốt thức ăn hoặc dịch xuống dạ dày trong lần nuốt đầu tiên; nôn ọe, mắc nghẹn hoặc ho khi nuốt; thức ăn bị trào ngược lên hầu, miệng hoặc mũi sau khi nuốt vào; bệnh nhân cảm thấy thức ăn mắc nghẹt lại ở một phần nào đó của hầu hoặc ngực; bị đau khi nuốt; bị đau hay cảm thấy nặng ngực hoặc bị chứng ợ nóng; sụt cân do không cung cấp đủ thức ăn; khó khăn khi nuốt thức ăn đặc hay chất lỏng hoặc cả hai.
Khó nuốt, khi nào là bệnh? 1Hình ảnh Xquang phát hiện khó nuốt do tắc nghẽn.
Ở người khỏe mạnh, các cơ ở hầu họng, thực quản co thắt để tống thức ăn từ miệng xuống thực quản theo phản xạ nuốt. Khi mắc bệnh, có 2 loại nguyên nhân gây khó nuốt: rối loạn vận động các cơ hầu họng, thực quản; hoặc là bị nghẹt ở hầu hoặc thực quản.
Rối loạn vận động các cơ hầu họng, thực quản xảy ra trong các trường hợp: bị đột quỵ, tổn thương não hoặc tủy sống; chứng co thắt thực quản, đa xơ hóa cơ, loạn dưỡng cơ hoặc mắc bệnh Parkinson; viêm đa cơ hoặc viêm da cơ; co thắt thực quản; xơ cứng bì làm cho các mô của thực quản trở nên cứng và hẹp lại, cơ ở đoạn thấp thực quản bị yếu đi.
Nghẹt ở hầu hoặc thực quản trong các bệnh lý: trào ngược dạ dày thực quản; viêm thực quản; lưới thực quản do bẩm sinh đã có lưới thực quản hoặc mắc phải; túi thừa là sự xuất hiện các túi nhỏ ở thành thực quản hoặc thành hầu bẩm sinh hay mắc phải; các u thực quản như ung thư hoặc lành tính; dị vật thực quản; các khối u bên ngoài thực quản như hạch bạch huyết, chèn ép vào thực quản.
Ngoài ra, còn khó nuốt không rõ nguyên nhân, khó nuốt do sự lão hóa cơ thực quản...
Chụp Xquang có chuẩn bị bằng dung dịch barit thấy tổn thương hay vị trí tắc nghẽn; nội soi thanh quản, thực quản thấy vị trí tắc; sinh thiết tế bào để xác định bị viêm hoặc ung thư; xét nghiệm độ pH dịch acid từ dạ dày trào lên thực quản và acid lưu lại tại nơi tắc nghẽn.
Chữa trị thế nào
Việc điều trị phụ thuộc vào các nguyên nhân gây khó nuốt, gồm: tập cho cơ nuốt đối với bệnh nhân bị các bệnh về não, thần kinh, cơ. Dùng thuốc điều trị các trường hợp bị khó nuốt do chứng ợ nóng, viêm thực quản, ngăn chặn acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Nếu bị nhiễm khuẩn ở thực quản, phải điều trị bằng thuốc kháng sinh. Đối với bệnh nhân bị chứng khó nuốt nghiêm trọng, có thể cần có một ống sông để bơm thức ăn, nước uống vào dạ dày. Thay đổi các loại thức ăn, dùng thức ăn lỏng để nuốt dễ dàng hơn. Nong giãn thực quản. Nội soi để lấy các dị vật mắc kẹt trong thực quản. Phẫu thuật để cắt bỏ khối u, túi thừa, lấy dị vật...
ThS. Nguyễn Xuân Lãm
Theo suckhoedoisong.vn