Kinh nguyệt lần đầu của vị thành niên thường từ 11-13 tuổi. Thời gian trung bình 3-5 ngày. Khi có kinh cơ thể thường mệt mỏi, khó chịu.
Kinh nguyệt lần đầu của vị thành niên thường từ 11-13 tuổi. Thời gian trung bình 3-5 ngày. Khi có kinh cơ thể thường mệt mỏi, khó chịu, có cảm giác tức nặng và đôi khi thấy đau nhói vùng bụng dưới... là những biểu hiện sinh lý bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, chu kỳ kinh ở trẻ vị thành niên có thể hay gặp một số tình trạng bất thường như kinh không đều, rong kinh, băng kinh, vô kinh, đau bụng kinh.
Nguyên nhân gây bất thường về kinh nguyệt tuổi vị thành niên
Cũng như kinh nguyệt của phụ nữ trưởng thành, chu kỳ kinh nguyệt của vị thành niên là sự kết hợp bởi hoạt động buồng trứng (sự phát triển nang noãn, sự rụng trứng, hình thành hoàng thể, tiết estradiol và progesteron) và tử cung (sự phát triển có chu kỳ và bong tróc của nội mạc tử cung). Nếu có bất thường ở bất kỳ hệ thống nào đều có thể gây rối loạn kinh nguyệt, vô kinh hoặc kinh thưa. Tuy vậy, các trường hợp bất thường về kinh nguyệt của vị thành niên người ta cho rằng do vòng kinh có thể không có rụng trứng. Sự điều chỉnh nội tiết của vỏ não xuống buồng trứng hay sự hoạt động của buồng trứng chưa ổn định. Hay nói cách khác, ở tuổi vị thành niên sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về cơ thể nhưng sự phát triển và điều hòa về thần kinh và thể dịch ở các em lại không theo kịp vì thế nên thường có trục trặc trong một hai năm đầu thấy kinh.
Đau bụng kinh thường gặp ở tuổi vị thành niên.
Những bất thường về kinh nguyệt ở tuổi vị thành niên
Kinh nguyệt không đều: Kinh nguyệt không đều là tình trạng thường thấy nhất ở lứa tuổi này. Chu kỳ kinh không ổn định. Có kinh khi ít hơn 3 ngày, khi nhiều hơn 7 ngày. Sau lần có kinh đầu có thể ngay sau đó hoặc sau vài chu kỳ diễn ra bình thường thì xuất hiện kinh không đều, tháng có tháng không, có khi bẵng đi vài tháng mới có trở lại và mỗi lần như thế máu kinh thường ra nhiều về số lượng hoặc kéo dài nhiều ngày.
Có nhiều nguyên nhân làm kinh nguyệt không đều như sự căng thẳng, mệt mỏi; rối loạn tiêu hóa (ăn quá nhiều, hay chế độ ăn uống kiêng khem bất thường); lao động hoặc luyện tập thể thao quá sức, sụt cân; những em hay bị táo bón, thường xuyên phải dùng kháng sinh... Ngoài ra là một số nguyên nhân khác ít gặp hơn như bệnh lý ở tuyến nội tiết, bệnh về máu, bệnh giảm tiểu cầu...
Rong kinh: Kinh có thể kéo dài trên 7 ngày thì gọi là rong kinh. Sau 1-3 ngày đầu máu không còn ra nhiều nhưng cứ rả rích, ít một, kéo dài. Nguyên nhân là do rối loạn hoạt động nội tiết sinh dục, hormon của buồng trứng tiết ra ít không đáp ứng được ngưỡng cầm máu nên cứ ra huyết kéo dài và ra ít một. Hậu quả của việc ra máu kéo dài có thể dẫn đến chứng thiếu máu cấp tính. Trong trường hợp này, bạn nên cho con đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chỉ dẫn và điều trị đúng, không nên tự ý dùng các thuốc điều kinh, vì hầu hết các thuốc này đều là thuốc nội tiết, dùng không đúng cách sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như khả năng sinh sản sau này.
Khi có bất thường kinh nguyệt, các em nên đi khám để có chỉ định điều trị đúng.
Băng kinh: Trường hợp bị băng kinh là khi số lượng máu trong mỗi kỳ kinh ra quá nhiều dẫn đến tình trạng thiếu máu cấp tính, đôi khi phải truyền máu. Thiếu máu sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ đồng thời sẽ có triệu chứng suy nhược cơ thể đi kèm. Mặt khác, trong giai đoạn này, cơ thể rất nhạy cảm, vi khuẩn dễ dàng tấn công gây nên những bệnh viêm nhiễm “vùng kín” như: viêm âm đạo, u màng trong tử cung, viêm buồng trứng... Vì vậy, khi bị băng kinh hay lượng máu mất đi trong những ngày có kinh quá nhiều, bạn hãy đưa con đi khám ngay để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn và điều trị kịp thời. Nếu để quá lâu sẽ gây hại cho sức khỏe.
Vô kinh: Vô kinh là hiện tượng chưa bao giờ có kinh hoặc đã có kinh rồi nhưng lại bị mất kinh trong nhiều tháng. Nếu em gái đã hết 18 tuổi mà chưa có kinh lần nào thì gọi là vô kinh nguyên phát. Nếu đã có kinh từ một lần trở lên nay lại kéo dài tới 6 tháng liền không có kinh (tất nhiên là không phải có thai) thì gọi là vô kinh thứ phát. Với người trưởng thành thì thời gian không có kinh trong 3 tháng đã gọi là vô kinh thứ phát. Trường hợp vị thành niên bị vô kinh thì dù do bất kỳ nguyên nhân nào, tiên phát hay thứ phát thì bạn nên cho con đi khám để tìm nguyên nhân điều trị, đồng thời hướng dẫn con nên thường xuyên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình.
Đau bụng kinh: Đau bụng kinh còn gọi là thống kinh thường gặp ở tuổi vị thành niên. Đau bụng kinh thường âm ỉ râm ran ở bụng dưới. Đa số các em có thể chịu đựng được nhưng cũng có em đau vã mồ hôi, nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. Đau có thể lan ra sau lưng, lan xuống đùi và bộ phận sinh dục. Nguyên nhân là do chất nội tiết prostaglandin có đặc tính gây co bóp cơ tử cung để đẩy máu kinh thoát ra ngoài dễ dàng - nhưng chất nội tiết này chỉ tiết ra khi chu kỳ kinh có rụng trứng (có phóng noãn). Cũng có khi, kỳ kinh nguyệt ở các em không có phóng noãn (không rụng trứng) thì kỳ kinh đó không bị đau bụng. Trường hợp đau bụng kinh các em nên nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tinh thần thoải mái. Có thể chườm nóng bụng dưới và dùng thuốc giảm đau paracetamol.
ThS. Nguyễn Tố Ngân
Theo suckhoedoisong.vn