Hơn 86 năm qua, kể từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện vai trò lớn lao lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thách thức quyết liệt, đưa đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vai trò lãnh đạo của Đảng được khẳng định, được nhân dân thừa nhận và suy tôn Đảng ta là người lãnh đạo duy nhất của mình.
Tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước
là khâu quan trọng trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế (Ảnh: Hoàng Hà)
Vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố, phát triển cùng với sự phát triển của cách mạng nước ta, được củng cố bền vững bởi những thành quả cách mạng to lớn. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến đáng khích lệ. Song mô hình phát triển của nền kinh tế nước ta hiện nay đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém đòi hỏi phải cấu trúc lại cho phù hợp với thực tiễn nhằm đưa đất nước phát triển bền vững. Trong đó, vấn đề tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước là khâu quan trọng trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Để các DNNN thực sự giữ được vai trò “nòng cốt”, “hạt nhân” trong một số ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đòi hỏi các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng phải được sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, đổi mới quản trị, đổi mới cơ chế quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế khi mà môi trường kinh tế xã hội trong nước và thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, khó lường là vô cùng cần thiết. Vì vậy, Đảng, Chính phủ cần đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN và bán vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường; tách bạch nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích; hoàn thiện cơ chế và mô hình thực hiện quyền sở hữu Nhà nước và đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp; tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu; hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách đầu tư, quản lý vốn Nhà nước trong doanh nghiệp; kiện toàn đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý và nâng cao năng lực quản trị DN; thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động của DNNN…
Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương hoạt động trong nền kinh tế thị trường cũng như các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế đều phải tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp. Để đảm bảo sự tồn tại, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, các doanh nghiệp sẽ phải luôn luôn thay đổi để thích ứng với các đặc thù của ngành, nghề và điều kiện phát triển của nền kinh tế. Nhiệm vụ vô cùng quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng là bảo tồn và phát triển vốn Nhà nước trong doanh nghiệp; đồng thời, phải thực hiện một số nhiệm vụ khác mà Đảng và Nhà nước giao. Trong những năm vừa qua, đặc biệt là khi có tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp nhà nước đã có những đóng góp tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát, khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế. Với tầm nhìn sâu rộng, nhiều tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương đã chủ động hoàn thiện mình thông qua các chiến lược tái cơ cấu toàn diện hoặc từng phần, để phát huy vai trò then chốt của DNNN. Trong đó, DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng, quốc phòng và an ninh.
Mặc dù vậy, việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống doanh nghiệp nhà nước nói chung thời gian qua, cũng như hiệu quả hoạt động của nhiều tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương chưa tương xứng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Một số đơn vị mở rộng đa dạng ngành nghề, đầu tư tràn lan nên hiệu quả không cao, không tạo được những sản phẩm đủ sức và ưu thế cạnh tranh, kết quả hoạt động của DNNN còn những tồn tại, hạn chế, yếu kém, chưa phát huy trên thực tế vai trò nòng cốt, đầu tầu của DNNN trong khu vực kinh tế Nhà nước như: năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp; hiệu quả đóng góp cho xã hội của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực DNNN đang nắm giữ; kết quả tái cơ cấu DNNN còn chậm, còn lúng túng trong xây dựng thể chế và mô hình đại diện chủ sở hữu của DNNN, cơ chế quản trị chưa đáp ứng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế; sức cạnh tranh hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế…
Tiếp tục thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đề án “Tiếp tục sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước” và Quyết định 929/QĐ-TTg (ngày 17/07/2012), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”. Sau khi đề án được phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước đã xây dựng cơ chế chính sách và đề án tái cơ cấu cho từng doanh nghiệp.
Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các đơn vị đã và đang triển khai phương án sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý điều hành, đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên, đi đôi với việc tái cơ cấu lao động, triển khai nghiên cứu, bổ sung các chính sách và mô hình quản trị hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển của DN sau tái cơ cấu.
Yêu cầu thực tế đặt ra đòi hỏi vai trò của DNNN trong nền kinh tế Nhà nước phải được thể hiện trên thực tế bằng năng lực cạnh tranh theo quy luật thị trường, bằng hiệu quả kinh tế - xã hội đóng góp cho nền kinh tế, bằng tác động thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển, bằng tính vượt trội của năng lực đổi mới công nghệ và trình độ quản lý, chất lượng nguồn lực…. Tất cả những điều đó đòi hỏi vai trò lãnh đạo của Đảng trong DNNN phải được nâng cao, trong đó có nội dung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Nhiệm vụ chính trị trong doanh nghiệp nhà nước là một khái niệm thường được dùng trong các văn bản của Đảng, Nhà nước ở các cấp khi nói về vai trò của DNNN. Song, trong thực tế nhiệm vụ chính trị là một khái niệm được nhiều người hiểu rất khác nhau. Chính vì vậy việc thực hiện, đánh giá về nó cũng rất khác nhau. Điều này cần được làm sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn. Nhiệm vụ chính trị hiện nay của doanh nghiệp nhà nước đang phải thực hiện là: Sản xuất, kinh doanh bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả; Bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ thuế; thực hiện chức năng điều tiết, bình ổn các mục tiêu kinh tế của Nhà nước; chăm lo đời sống người lao động, xây dựng giai cấp công nhân; sản xuất, kinh doanh gắn với quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường phát triển bền vững … Có thể thấy DNNN đang gánh trên vai mình rất nhiều trọng trách. Song để đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ về hoạt động của các DNNN lại là vấn đề rất khó thực hiện. Bởi, việc đánh giá này có nhiều khi bị chồng chéo, phiến diện, không đầy đủ hoặc theo quan điểm của mỗi người. Vì vậy, cả về vấn đề lý luận và thực tiễn cũng cần phải xác định rõ nhiệm vụ chính trị của các DNNN là gì? Cách thức giao nhiệm vụ và tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN trong tình hình hiện nay cũng cần phải được làm sáng tỏ để đảm bảo sự công bằng khách quan đối với DNNN.
Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương gồm 35 đảng bộ trực thuộc (32 đảng bộ cấp trên cơ sở, 03 đảng bộ cơ sở - trong đó có 33 đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng hạng đặc biệt bao gồm 10 Tập đoàn, 16 Tổng công ty, 04 Ngân hàng Thương mại Nhà nước, 03 đơn vị tài chính đặc thù và 2 đảng bộ cơ quan); 1.036 tổ chức cơ sở đảng, 5.561 chi bộ, với hơn 80.000 đảng viên. Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Đảng bộ Khối luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm, là công cụ vật chất quan trọng để Đảng và Nhà nước điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh; hàng năm, đóng góp gần 1/3 tổng thu ngân sách quốc gia; đảm bảo việc làm và đời sống ổn định cho trên 1,3 triệu người lao động. Do đó, việc gắn công tác lãnh đạo của Đảng về việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được các Đảng bộ hết sức coi trọng và triển khai đạt hiệu quả rõ nét. Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, nhưng Đảng ủy Khối và các cấp ủy Đảng trong Khối đã lãnh đạo các đảng bộ trực thuộc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đảm bảo sản xuất kinh doanh; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn giá, giảm lãi suất; góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo an sinh xã hội. Các chỉ tiêu cơ bản về sản xuất, kinh doanh của đa số các doanh nghiệp trong Khối vẫn đạt nhiều kết quả tốt. Nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước được hoàn thành và hoàn thành vượt tiến độ đề ra với chất lượng tốt. Trong nhiều năm liên tiếp, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong Khối đã có những đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước có vai trò quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tham gia nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh chủ quyền quốc gia, thực hiện chính sách an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai…
Trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong năm các năm từ 2008 đến nay, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tập trung lãnh đạo các đảng ủy trực thuộc có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, duy trì tốc độ tăng trưởng, bảo toàn và sử dụng vốn hiệu quả, tiết giảm đầu tư; thực hiện tốt các nhiệm vụ đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; tích cực tham gia bình ổn giá cả thị trường, giữ ổn định nền kinh tế; đảm bảo công tác an sinh xã hội, thể hiện được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng để Chính phủ điều tiết kinh tế vĩ mô. Các cấp ủy đảng trong Khối đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Chính phủ và đề ra chương trình hành động phù hợp với từng đơn vị. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy; triển khai thực hiện công tác theo các chuyên đề, tạo chuyển biến quan trọng trong Đảng bộ. Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các Đảng ủy trực thuộc đối với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trực thuộc Khối là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Thời gian tới, trong điều kiện tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp và hội nhập quốc tế thì việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng 100% vốn Nhà nước và có vốn nhà nước chi phối càng quan trọng hơn, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, quyết liệt từ Trung ương Đảng, Chính phủ và hệ thống các cấp ủy đảng thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và các đảng bộ địa phương…/.
Theo TS. Hoàng Hà (Đảng ủy Khối DNTW)
Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam