Mỗi vùng quê Việt đều có một đặc sản riêng với hương vị độc đáo và sự hấp dẫn đặc biệt. Nói đến Hương Canh (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), chắc chắn không thể bỏ qua thứ bánh rất mộc mạc, gần gũi mà hấp dẫn, lôi cuốn kỳ lạ. Đó là bánh Gio.
Ảnh minh họa: Internet
Bánh Gio còn có rất nhiều tên gọi. Có người gọi là bánh Tro, có người gọi là bánh Nẳng (hay Nắng) nhưng tựu chung đều chỉ một loại bánh độc đáo và ngon có tiếng. Mặc dù xuất hiện ở khá nhiều chợ quê của Vĩnh Phúc và vài tỉnh lân cận nhưng bánh Gio ở Hương Canh hơn hẳn các nơi khác về cả màu sắc và hương vị.
Thậm chí, có một giai đoạn loại bánh này còn được các thực khách ưu ái gọi nó với cái tên là bánh “thuần Việt”. Bí mật làm nên sự độc đáo và “thuần Việt” của bánh Gio nằm trong khâu chọn nguyên liệu, cách ngâm gạo và thời điểm gói bánh, luộc bánh...
Nguyên liệu chính làm nên chiếc bánh Gio là gạo nếp. Phải là loại gạo nếp cái Hoa Vàng mới thu hoạch, phơi đủ nắng. Gạo nếp sau khi được sàng sảy và loại bỏ hạt xấu, sẽ được đem đi vo đãi sạch cho đến khi hết nước đục. Gạo để ráo nước, sau đó đem ngâm nước vôi trong chừng 2 giờ đồng hồ. Sau đó lại vớt ra để ráo rồi mới ngâm vào nước Gio trong một đêm.
Nước Gio là loại nước được lấy từ hỗn hợp gio của ba loại cây: Cây Tầm gửi, thân lá cây vừng và thân cây sương song (cây gai nhể ốc) hoặc thay thế bằng lá xoan. Ba loại cây này được đốt lấy gio. Gio được đem hòa vào nước, để lắng. Sau đó bỏ cặn tro, lấy nước và dùng nước đó để ngâm với gạo nếp đã qua xử lý.
Sau khi ngâm nước Gio một đêm, gạo ngấm màu nước Gio trở thành thứ gạo có màu nâu vàng đẹp mắt, tiếp đó gạo được đem ra xay thành bột mịn rồi đem đi gói.
Lá gói bánh cũng là một loại lá độc đáo. Chẳng phải là dong cũng không phải lá chuối mà phải là lá Chít, loại lá từ loài cây mà người ta thường dùng cành để làm chổi quét nhà. Lá chít hái về phải đem luộc thật kỹ và thay nước nhiều lần cho phai hết chất diệp lục, tránh ngấm màu xanh vào bánh. Mỗi chiếc bánh Gio chỉ cần dùng 2 hoặc 3 chiếc lá chít. Bột được cho vào giữa chiếc lá, dàn đều ra và cuốn chặt lại. Sau đó dùng lạt mềm bằng dây bẹ chuối khô buộc chặt. Cuối cùng là mang bánh đi luộc.
Mỗi cái bánh gio chỉ dài chừng hơn gang tay, đường kính nhỉnh hơn ruột quả chuối tiêu nên chỉ cần luộc ba giờ đồng hồ bánh đã chín. Khi bánh chín, vớt bánh, để nguội rồi cắt ra thành từng khoanh nhỏ rồi bày lên đĩa. Bánh khi chín có màu hổ phách trong suốt, mịn và dẻo. Bánh không có gia vị nên khi ăn thường sẽ được chấm kèm với mật ong hoặc mật từ mía.
Xưa kia đây là loại bánh nổi tiếng và khá phổ biến nhưng đến ngày nay không phải lúc nào thực khách cũng có thể dễ dàng bắt gặp và mua được chiếc bánh đặc biệt này. Hương Canh hiện nay đang phát triển mạnh, như một khu vực trọng yếu và sầm uất của huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Cuộc sống phát triển, vườn tược bị thu hẹp, tường gạch thay thế cho bờ rào bằng cây gai sương song, khiến các nguyên liệu làm Gio khó tìm.
Công đoạn và thời gian chuẩn bị nguyên liệu khá phức tạp nên cũng không còn nhiều người làm bánh nữa. Chỉ còn các cụ bà, các bác thi thoảng cất công chuẩn bị nguyên liệu làm vài chiếc bánh đem ra mời khách. Dù ít người làm, nhưng nếu một lần đến chợ Hương Canh, may mắn du khách có thể dễ dàng bắt gặp một hàng bánh Gio của một bà cụ già ngồi lẫn giữa các bà, các chị bán các loại bánh khác.
Giữa phố thị tấp nập, hãy thử một lần cầm trên tay chiếc bánh Gio, đưa nó lên miệng và cảm nhận cái hương vị, cái tâm hồn “thuần Việt” từ chiếc bánh độc đáo ấy. Dư vị để lại chắc chắn sẽ làm say lòng bất cứ thực khách khó tính nào.
ST