Khối ngoại đang chiếm khoảng 51% thị phần bán lẻ tại Việt Nam, phần còn lại chia cho khối nội đang là một cuộc cạnh tranh không cân sức.
Các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ ra sự yếu kém của các nhà bán lẻ Việt Nam.
Trong xu thế hội nhập, việc các nhà bán lẻ nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam, là động lực phát triển cho ngành bán lẻ trong nước, nhưng cũng sẽ tạo thách thức trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là nội dung được đưa ra tại Tọa đàm “Nâng cao sức cạnh tranh của thị trường bán lẻ Việt Nam” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 20/6 tại Hà Nội.
Hiện nay cả nước có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại các loại và khoảng hơn 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của hộ gia đình, trong đó kênh bán lẻ hiện đại mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại vẫn phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Dự báo, từ nay đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên và sẽ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng.
Đây là cơ hội lớn, nhưng đồng thời cũng là thách thức, bởi các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết, tính đến năm 2015, khối ngoại chiếm khoảng 51% thị phần bán lẻ, phần còn lại chia cho khối nội và khối không xác định gồm các nhà bán lẻ nhỏ lẻ. Đây là một cuộc cạnh tranh không cân sức giữa các nhà bán lẻ nội - ngoại.
“Các nhà bán lẻ toàn cầu họ có sức mạnh toàn cầu trong liên kết nguồn hàng, trong thu mua nguồn hàng. Kinh nghiệm đó cũng tạo ra khối logistic và chuỗi cung ứng rất mạnh cho họ. Nhà bán lẻ nội cũng có những điểm mạnh vì doanh nghiệp nội chắc chắn sẽ hiểu nhu cầu và tâm lý người tiêu dùng Việt, am hiểu thị trường Việt. Tôi nghĩ rằng, nếu có sự liên kết chặt chẽ và vai trò của hiệp hội ngày càng mạnh, sẽ tạo ra động lực cho các nhà bán lẻ trong nước để có thể phát triển và cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài”, ông Nhân cho biết.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ ra sự yếu kém của các nhà bán lẻ Việt Nam. Đó là vấn đề năng lực tài chính của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, những khó khăn về nguồn nhân lực, thu xếp mặt bằng bán lẻ, trung tâm logistic, chi phí quảng bá bị khống chế ở mức 10%.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, việc doanh nghiệp có giữ được thương hiệu hay không, trước tiên phụ thuộc vào chính nhận thức và nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Vì vậy, trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa lợi thế từ các sản phẩm thế mạnh để xây dựng thương hiệu cho mình.
“Nhà nước phải tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn, kinh doanh lành mạnh, tạo ra khả năng cạnh tranh càng lớn để thúc đẩy doanh nghiệp cạnh tranh, thúc đẩy hàng hóa cạnh tranh. Bản thân doanh nghiệp, doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp sản xuất phải nỗ lực để nâng cao sức cạnh tranh. Thế nhưng vai trò của người tiêu dùng là rất quan trọng. Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng cần tiếp tục đồng hành trong tam giác phát triển đó”, ông Quyền chỉ rõ./.
Theo Chung Thủy/VOV.VN