Cập nhật: 23/06/2016 09:16:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lợi nhuận cho việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn, song doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn khi đầu tư vào lĩnh vực này…

Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho thực phẩm an toàn. (Ảnh: VinGroup)

“Kích hoạt” thị trường cho thuê ruộng đất

Xác định doanh nghiệp là trung tâm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, Chính phủ chỉ đạo tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển sản phẩm sản xuất kinh doanh và ngành nông nghiệp đang rất cố gắng thực hiện chủ trương đó.

Nhưng theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, hiện nay, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn “tắc” ở khâu đất, vốn, khoa học và công nghệ.

Về đất, có hiện tượng nông dân nhỏ manh mún, không thiết tha với ruộng nhưng lại không có cách nào có cơ chế để cho thuê đất hoặc chuyển nhượng ruộng đất. Trong khi đó, doanh nghiệp lại khó lấy đất bởi đi thuê của hàng ngàn nông dân để tích tụ thành diện tích rộng sẽ rất mệt mỏi.

 

Người nông dân Bắc Giang đã nhiều năm gặp phải tình trạng được mùa vải thiều nhưng mất giá. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Do đó, cần “kích hoạt” thị trường cho thuê ruộng đất đơn giản đi về thủ tục giấy tờ, đo đạc địa chính và cần có 1 dịch vụ công hỗ trợ cho họ, hay có cơ chế làm sao để góp vốn bằng quyền cho thuê đất chứ không góp vốn bằng quyền sử dụng đất vì người dân không quản lý được doanh nghiệp.

Ngoài ra, khi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ kèm nhà kho chế biến (đất phi nông nghiệp), doanh nghiệp đi thuê đất của nông dân rồi lại nộp lại cơ quan địa phương xin chuyển đổi mục đích sử dụng..

Về vốn, theo ông Tuấn, trong thời gian qua các doanh nghiệp lớn được ngân hàng quan tâm, nhưng các doanh nghiệp nhỏ vẫn khó tiếp cận nguồn vốn do đầu tư vào nông nghiệp có cả rủi ro về thiên tai, thị trường. Trong khi đó, việc vay theo gói hỗ trợ phải kèm theo điều kiện, doanh nghiệp nào được hỗ trợ, có đáp ứng chuẩn đưa ra hay không, phương án kinh doanh có rủi ro không…?

Hiện tại, doanh nghiệp và nông dân liên kết hợp đồng nông sản chỉ chiếm khoảng 20 -30%, doanh nghiệp ứng trước vật tư hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, nông dân đưa lại sản phẩm cho doanh nghiệp theo giá sàn định trước hoặc giá thị trường cao hơn giá sàn thì sẽ mua theo giá thị trường. Tuy nhiên, việc này còn ít và chủ yếu vẫn là mua bán trao tay, qua thương lái.

Thậm chí, có trường hợp nông dân phá vỡ hợp đồng mà doanh nghiệp không đủ chi phí hầu kiện cả nghìn nông dân nếu như họ đồng lòng phá hợp đồng.

 

Những trái cà chua đầu tiên theo mô hình công nghệ hiện đại của Fujitsu và FPT tại Việt Nam. (Ảnh: FPT)

Chọn công nghệ phù hợp

Bên cạnh những “nút thắt” trên, việc lựa chọn mô hình công nghệ phù hợp cũng là rất quan trọng trong quá trình đầu tư vào nông nghiệp.

Ông Trần Kim Long Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho phóng viên VietnamPlus biết, việc áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiện chưa có nhiều mô hình ở Việt Nam. Từ việc chế biến, dịch vụ trước xuất khẩu, sau xuất khẩu… chúng ta đều phải học hỏi ở các nước tiên tiến.

“Hiện, chúng tôi đang giới thiệu một số công nghệ cao từ các nước như Hà Lan, Israel… vào Việt Nam,” ông Long nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, việc đầu tư khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp công nghệ cao giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu vào, giảm bớt sử dụng nước, thuốc, và sản phẩm ra đồng bộ hơn tạo được uy tín về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nguồn gốc. Điều này cần có doanh nghiệp, kèm theo vốn, tri thức, kỹ năng, bán cho ai chứ một mình nông dân không làm được.

“Câu chuyện đầu tư nói chung và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao là phải giải quyết các vấn đề yếu tố đầu vào, kích được thị trường cho thuế đất mạnh lên, có đất ổn định, kích hoạt được thị trường vốn theo chuỗi...,” ông Anh Tuấn nói.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng, tiếp theo, thị trường phải làm sao để việc áp dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, cạnh tranh lành mạnh với nhau chứ không phải làm sản phẩm sạch cạnh tranh với sản phẩm bẩn. Bởi thế, cần phải có chế tài, tiêu chuẩn kiểm soát, hệ thống thông tin truyền thông tốt để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm chất lượng.

“Cần có quy chuẩn tiêu chuẩn định hướng cho việc chọn công nghệ cho phù hợp,” ông Anh Tuấn kiến nghị./.

NHÓM PV (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/bai-3-go-nut-that-nao-de-hut-doanh-nghiep-dau-tu-vao-nong-nghiep/391927.vnp

Tệp đính kèm